Những ngày qua, công chúng nghe nhạc không khỏi xôn xao trước nghi vấn ca khúc Princess of China của ca sĩ Mỹ Rihanna đã sử dụng chất liệu từ bài hát Ra ngõ tụng kinh của ca sĩ Hà Trần, do nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác. Nhạc cụ được sử dụng để tạo hiệu ứng cho cả 2 bài hát khác nhau, nhưng đoạn nhạc mở đầu cũng như điệp khúc Princess of China gần như là sự lặp lại của Ra ngõ tụng kinh. Trước sự việc này, những người có chuyên môn trong sáng tác nhạc cũng như hòa âm, phối khí đã đưa ra quan điểm của mình.
Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong đưa ra hai giả thiết. Thứ nhất, năm 2008, người thực hiện hòa âm phối khí bài của Hà Trần đã dùng sample (mẫu) có sẵn trên thế giới và những cái này có thể trả tiền mua hoặc dùng miễn phí. Đến năm 2011, người hòa âm phối khí cho Rihanna cũng sử dụng sample giống như vậy. “Những sample này có thể xuất hiện từ trước năm 2008 nên không thể nói ai đạo ai được”, Hải Phong nói. Giả thiết thứ hai là người thực hiện bài Ra ngõ tụng kinh thu ở phòng thu của mình và phía Rihanna đã nghe và làm lại. Nhưng khả năng này gần như không tưởng. Nguyễn Hải Phong nhận định: “Trong giới chuyên môn dù bạn dùng chung sample thì sản phẩm cuối cùng cũng sẽ khác 2-3 nốt và môtíp cũng sẽ khác chút chút, nên tôi nghiêng về giả thiết thứ nhất hơn. Tôi chắc chắn một điều là hai bài này có một mối tương đồng với nhau. Còn chi tiết cụ thể thế nào thì tôi cần thời gian để phân tích thêm". Cũng nghiêng về quan điểm chưa biết ai đạo của ai, nhạc sĩ Phúc Trường cho biết, những bài hát được coi là đạo nhạc có nghĩa là giống nguyên dàn melody, viết gần giống nhau và hai giọng thể hiện có nét tương đồng về cách xử lý kỹ thuật. “Với bài hát của Rihanna thì chưa hẳn là đạo nhạc vì hơn 60% nhạc sĩ sáng tác trên beat, việc hòa âm giống nhau cũng chưa phải là đạo nhạc. Nếu các bạn nghe kỹ phần gian tấu của 2 bài thì sẽ thấy nó khác nhau" - Phúc Trường nói. Bên cạnh những nhận định theo hướng 50-50 là những ý kiến khá thẳng và nêu rõ quan điểm cá nhân của hai nhạc sĩ Đào Trọng Thịnh và Bảo Thạch. Đào Trọng Thịnh cho biết ranh giới giữa trùng hợp và đạo nhạc rất mong manh, rất khó để xác định vì nó tùy theo cách cảm nhận và cái tôi âm nhạc của mỗi người. Không có cán cân nào định lượng giống bao nhiêu thì là đạo, bao nhiêu là không đạo. "Tôi thấy đoạn đầu tiên đúng là có giống nhau, nhưng nói thật chuyện đó cũng không phải lạ lẫm gì với nền âm nhạc VN hiện tại. Tôi thích cách nghĩ đơn giản của nhạc sĩ Trần Tiến. Hãy nghĩ một cách nhẹ nhàng hơn, Việt Nam sử dụng lại nhạc nước ngoài quá nhiều, nên bây giờ có một ca sĩ nổi tiếng như Rihanna lấy chút ít nhạc Việt Nam đưa vào bài hát của mình thì chúng ta cũng vui vui chứ nhỉ? Chắc vì lý do đó nên cư dân mạng mới bàn tán xôn xao đến thế", Đào Trọng Thịnh nói.
Nguyễn Hải Phong cho rằng đây chỉ là sự cố trùng bản sample. |
Nhạc sĩ Bảo Thạch khi nghe tin này cho biết anh cảm thấy buồn cười, rằng đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên vì chỉ giống mấy câu dạo đầu. Theo anh, một bài nhạc RnB pha trộn chút rock, còn một bài kiểu dân ca miền Bắc, không hề liên quan đến nhau. Bảo Thạch phản biện, Rihanna là một tên tuổi quá nổi tiếng của âm nhạc quốc tế, còn nhạc của Hà Trần chỉ nổi tiếng trong cộng đồng người Việt, cùng lắm là người Việt ở nước ngoài. Khả năng Rihanna nghe nhạc của Hà Trần đã là hiếm chưa nói đến chuyện đạo nhạc. Anh cũng nói thêm, kiểu giai điệu này, nhạc Hoa, nhất là nhạc phim võ thuật tới mấy chục bài giống như vậy. "Chắc là cả hai bài này đều tham khảo cách hòa âm của nhạc dân gian Trung Hoa thôi", Bảo Thạch kết luận. Nghi án Rihanna đạo nhạc Hà Trần dấy lên, nhiều độc giả và cư dân mạng dẫn chứng một số ca khúc khác trên thế giới có tiết tấu và giai điệu giống với Ra ngõ tụng kinh như Shake Ya Tail Feather của Nelly, P.Didy và Murphy Lee (2003) (xem video). Thành viên Jasper của trang ATRL thì cho rằng "Bài hát này ban đầu từ các nghệ sĩ của Campuchia. Việt Nam sao chép từ Campuchia. Đây là một sự đạo nhạc thứ hai". Trong khi đó, ca sĩ Trần Thu Hà - nhân vật chính của câu chuyện cho biết, Princess Of China giống Ra ngõ tụng kinh ở phần intro, cách sử dụng hook (vocal ngân nga ‘ê a’ làm dẫn nối toàn bài), giọng hòa âm và tiết tấu từ đầu đến đoạn điệp khúc. Nữ ca sĩ sinh năm 1977 tâm sự, chị cũng nghĩ như nhạc sĩ Thanh Phương - người hòa âm phối khí cho Ra ngõ tụng kinh - rằng may mà album “Trần Tiến” phát hành từ năm 2008, trước Princess Of China cả ba năm, nếu không sẽ bị quy kết tội đạo nhạc.
Con gái NSND Trần Hiếu thừa nhận, sự trùng lặp ý tưởng giữa những người sản xuất nhạc là chuyện thường thấy, thậm chí các nghệ sĩ này không cần phải biết đến nhau. “Nhưng người Việt hay có tính tự ti, dễ tin mình đạo nhạc, còn khi thấy nhạc nước ngoài giống mình thì cho rằng đó là sự trùng lặp ý tưởng chẳng có gì phải ầm ĩ” - Hà Trần chia sẻ. Trong khi Bảo Thạch cho rằng "khả năng Rihanna nghe nhạc của Hà Trần đã là hiếm chưa nói đến chuyện đạo nhạc" thì nữ ca sĩ khẳng định: “Độ phổ biến của nhạc Việt Nam còn hạn chế nhưng cái gì hay, độc đáo thì vẫn có thể trở thành cảm hứng của người khác - nhất là thời điểm Internet phát triển, dễ tìm kiếm thông tin như hiện nay”. Về ý kiến cho rằng, nhạc của Hà Trần cũng có giai điệu, tiết tấu giống một số ca khúc quốc tế khác và nếu kiện ra tòa, giọng ca của Việt Nam dễ bị các ca sĩ khác kiện lại, Hà Trần phản bác: “Đĩa 'Trần Tiến’ toàn bộ phần hòa âm là do tôi và anh Phương tự làm với nhau trong phòng thu ở nhà. Chẳng mượn Campuchia hay ai hết”. Hà Trần cho biết, chị chưa đi đến quyết định khởi kiện hay không vì cần tìm hiểu thêm thông tin và tư vấn của luật sư. Theo Hà Trần, sự việc có được giải quyết đến tận cùng hay không phụ thuộc vào độ ‘linh’ của luật bản quyền ở mỗi quốc gia. “Ở Việt Nam, những vụ việc như thế này chỉ xôn xao một thời gian rồi thôi. Nhưng ở Mỹ, nếu các luật sư nhìn nhận là có cơ sở thì có thể dẫn đến kiện tụng. Một trong hai bên phải có sự công nhận hoặc có sự dàn xếp dẫn đến một thỏa hiệp chung” - Hà Trần nhìn nhận. Hiện vụ việc đã trở nên nóng hơn khi công dân mạng trực tiếp bàn tán trên chính trang web của Coldplay, trang Spetteguless và trang tiếng Nga zvuki.ru.