Trong đó, nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng về tính bền vững của nền kinh tế hiện tại.
Nỗi lo các “điểm nghẽn”
Đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ hướng tới đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2014 là 5,8%, nhưng ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) phân tích: Báo cáo nêu tổng mức đầu tư toàn xã hội giảm, DN phá sản, giải thể, ngừng hoạt động mấy năm nay rất lớn, nhưng tăng trưởng vẫn tăng cao hơn các năm trước và chỉ tiêu tạo việc làm mới hàng năm đạt xấp xỉ 1,6 triệu lao động là chưa thuyết phục. ĐB Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) cũng đặt vấn đề: Số DN, ngừng hoạt động vẫn nhiều hơn số DN được "khai sinh", từ đó cho thấy vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu tái cấu trúc nền kinh tế. Một số ngành đóng góp lớn cho nền kinh tế nhưng năm nay tăng trưởng thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ năm trước… "Tình hình như vậy mà Chính phủ dự báo là vẫn hoàn thành chỉ tiêu GDP thì tôi thấy còn băn khoăn" - ĐB Vinh lo ngại.
Trong khi đó, theo ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh), mục tiêu phấn đấu tăng GDP năm 2015 khoảng 6,2% là không khó, chỉ cần khai thác thêm dầu thô, hay than là sẽ có tăng trưởng. Tuy nhiên, cần nhìn vào
thực tế là tổng đầu tư toàn xã hội đang giảm chỉ còn khoảng 30% GDP, khối lượng tiền tệ, tiêu dùng không tăng, nợ xấu tiềm ẩn. Chỉ tăng xuất siêu nhưng đây là nhờ tổng cầu giảm và dễ rơi vào nhập siêu trở lại, vì Việt Nam vẫn là một nền kinh tế thủ công. "Ngay cả trong khoản nợ xấu 300.000 tỷ đồng bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), nhiều khoản nợ rất xấu, tỷ lệ mất vốn trên tỷ lệ thu hồi rất cao. Nguồn vốn dồn vào khu sản xuất thấp, nhiều điểm tắc nghẽn trong thị trường tài chính chưa được xóa bỏ" - ĐB Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội) chỉ ra.
Làm sao có đột phá hơn để năm 2015 khởi sắc trở lại? Các ĐB lưu ý, Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn các yếu tố bền vững, giải quyết các "điểm nghẽn" của nền kinh tế như nợ xấu..., tạo nhiều điều kiện thuận lợi như hỗ trợ về vốn, tín dụng, tìm đầu ra cho sản phẩm không phụ thuộc vào một thị trường.
Nợ công tiếp tục “nóng”
Theo tính toán của Chính phủ, nợ công năm 2015 sẽ vào khoảng 64,5% GDP, vẫn trong phạm vi quy định. Chính phủ đề nghị cho giữ mức bội chi NS năm 2014 bằng 5,3% GDP và 5% cho năm 2015. Tuy nhiên, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cộng với 85.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ thì mức bội chi đã lên đến hơn 7%. Các ĐB cho rằng, dù nợ công vẫn ở ngưỡng an toàn, nhưng để giải quyết vấn đề này cần có các giải pháp đột phá, trong đó, giải pháp lớn nhất là giảm bội chi NS, tránh đầu tư những công trình kém hiệu quả, gây lãng phí.
Đặc biệt, các ĐB cũng bày tỏ sự lo ngại về tình trạng tham nhũng, lãng phí. Theo ĐB Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh), Việt Nam có mức độ tham nhũng xếp gần cuối bảng (thứ 116/175 quốc gia, vùng lãnh thổ). Đi cùng với tham nhũng là lãng phí, nhiều công trình xây xong không có người sử dụng. "Báo cáo của Chính phủ phải tập trung vào những nguyên nhân cụ thể, thiết thực và có những biện pháp quyết liệt đi vào những vấn đề như: Vấn đề chống thất thu thuế, vấn đề chống lãng phí, chống tham nhũng" - ĐB Đỗ Văn Đương đề nghị.
ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) bổ sung, nhìn vào cơ cấu chi hành chính, chi thường xuyên khoảng 70%, 30% còn lại chi cho đầu tư phát triển và trả nợ, thấy rõ khoản chi nặng nề nhất là hành chính sự nghiệp, chứng tỏ cơ quan hành chính quá cồng kềnh. Trong khi khả năng trả nợ hiện nay đang rất eo hẹp, nguồn thu ngày một khó khăn. Trong trung hạn rõ ràng không thể cân bằng được thu - chi và vẫn phải đi vay. Nếu Quốc hội không giám sát chặt để kìm hãm tốc độ tăng nợ công sẽ rất đáng lo.
Ngoài những vấn đề kinh tế, các ĐB cũng tập trung thảo luận nhiều vấn đề xã hội mà cử tri đang quan tâm như giải quyết việc làm, chế độ tiền lương còn nhiều bất cập, an ninh trật tự và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp; vẫn còn tình trạng án oan sai; việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế gặp nhiều khó khăn, thi hành án dân sự còn nhiều thiếu sót, hạn chế. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, số liệu liên quan đến việc làm, thất nghiệp không có biến động lớn là chưa phản ánh đúng thực tế, cần đánh giá thực chất hơn, làm rõ mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, khó khăn của các DN với chỉ tiêu việc làm, thất nghiệp…
Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ của đoàn ĐB Quốc hội Hà Nội. Ảnh: Viết Thành
|
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan:Có giải pháp nâng tỷ lệ lao động được đào tạo Báo cáo của Chính phủ cũng cần phân tích thêm nguyên nhân vì sao tỷ lệ thất nghiệp còn cao. Chính phủ cần có giải pháp để góp phần tăng tỷ lệ người lao động được đào tạo, cần chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về học nghề, quan tâm tạo điều kiện thêm cho các cơ sở đào tạo nghề để có các hình thức dạy nghề linh hoạt, phù hợp với lực lượng lao động. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng Vấn đề đặt ra là làm sao phải có môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, tạo phấn khởi cho cộng đồng DN yên tâm đầu tư. Ngoài các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước mang tính dẫn dắt, rất cần các nguồn vốn của xã hội. Do đó, Chính phủ sẽ tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường năng lực bộ máy công quyền, đảm bảo an sinh xã hội. ĐB Bùi Minh Phương (đoàn Ninh Bình):Siết chặt lại kỷ cương ngân sách Chính phủ cần phải siết chặt lại kỷ cương NS, đặc biệt là vấn đề ứng vốn trong năm 2015 - 2016. Bởi có Bộ đã ứng vốn đến 10 năm rồi, nếu để tình trạng ứng vốn kéo dài sẽ dẫn tới nợ đọng. Đặc biệt, cần phải đổi mới tư duy về vay vốn ODA. Hiện nay, nhiều người vẫn nghĩ vay ODA là vay viện trợ, nước ngoài cho, nên chi tiêu không ngại. Mỗi đồng chí đến nhiệm kỳ của mình cứ làm, cứ mạnh tay, về rồi để lại hậu quả cho người khác và không ai khác chính con cháu chúng ta sẽ gánh nợ. |