Sáng 10/9, ngư dân các phường Mân Thái, Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) bắt đầu đưa thuyền bè vào bờ để chống bão. Chính quyền địa phương đã cử lực lượng công an, quân đội, dân phòng… hỗ trợ người dân.
Từ sáng sớm, ông Lê Phận (phường Mân Thái) đã được chính quyền cho phép ra biển đưa chiếc thuyền thúng vào bờ neo đậu. Do không có tiền thuê máy cẩu lên bờ nên ông Phận đành sử dụng dây thừng buộc thuyền vào bờ kè.
Ngư dân Lê Phận cho biết không có tiền thuê máy cẩu nên đành phải neo buộc chiếc thuyền thúng vào bờ kè. Ảnh: Q.Hải |
Ông Phận cho biết, nhà có 9 nhân khẩu, thu nhập chủ yếu dựa vào nghề biển, nhưng cả tháng nay không ra khơi nên rất khó khăn. “Chính quyền địa phương có hỗ trợ lương thực, thực phẩm trong thời gian giãn cách nhưng gia đình tôi đông người, khó khăn lắm. Không đi biển được nên giờ chẳng có tiền để thuê máy cẩu thuyền vào bờ, đành buộc vào kè chắn sóng này thôi”, ông Phận chia sẻ.
Cạnh đó, vợ chồng ông Lê Lực (62 tuổi, phường Mân Thái) cũng vội vàng tìm cách buộc chiếc thuyền thúng vào bờ kè. “Chiếc thuyền thúng này là gia sản của gia đình tôi, đáng ra phải cẩu nó vào bờ cho yên tâm nhưng bây giờ không có tiền đành buộc nó vào bờ kè này thôi”, ông Lực nói.
Nhà ông Lực thuộc diện khó khăn, có 6 miệng ăn, gần như phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ nghề biển. “Bây giờ thuê người ta cẩu thuyền vào bờ hết 300 ngàn đồng, sau này cẩu ra lại biển cũng thêm 300 ngàn đồng nữa, lấy đâu ra chừng đó chú ơi. Nên thôi, cứ buộc chặt vào kè này, đến đâu hay đến đó”, ông Lực thở dài, nói.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (phường Thọ Quang) mới đầu tư hơn 100 triệu đồng sắm chiếc xuồng máy, nhưng dịch dã liên miên khiến nghề biển gián đoạn, khó khăn. Sáng nay, hàng chục người là lực lượng của phường và ngư dân hỗ trợ anh Tuấn đưa xuồng vào bờ, nhưng cũng chỉ neo sát kè trên bãi biển thôi.
“Biết rằng máy móc sẽ bị hư hỏng nặng nếu bão đến, nhưng bây giờ cẩu xuồng lên bờ mất hơn 1 triệu đồng, rồi cẩu ra lại cũng chừng đó. Mà mỗi năm có biết bao cơn bão, cẩu miết như thế lấy tiền đâu ra, nhất là trong thời điểm chúng tôi cả tháng không được đi biển”, anh Tuấn thở dài.
Theo quan sát của phóng viên, đến trưa 10/9, vẫn còn hàng trăm thuyền bè của ngư dân neo đậu ngoài biển khu vực dọc đường Hoàng Sa.
Để ứng phó với bão số 5, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã đề nghị các quận, huyện cho phép người dân, đơn vị được tiến hành xây dựng, sửa chữa, gia cố các công trình dân sinh, nhất là những hộ dân nhà cửa xuống cấp, bảo đảm công tác phòng, chống mưa bão. Các địa phương không nên cứng nhắc, máy móc mà phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong công tác sửa chữa, gia cố nhà cửa.
Bên cạnh việc cho phép người dân sửa chữa, gia cố nhà cửa, di chuyển tàu thuyền, các địa phương, nhất là các quận, huyện có nguy cơ sạt lở ở Đà Nẵng cũng được yêu cầu xây dựng phương án di dời nhân dân ra khu vực nguy hiểm, đưa đến những nơi an toàn nhưng phải kết hợp chặt chẽ phương án phòng, chống dịch.
Đến trưa 10/9, vẫn còn hàng trăm thuyền bè của ngư dân Đà Nẵng neo đậu ngoài biển chưa vào bờ. Ảnh: Q.Hải |
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 7 giờ ngày 10/9, vị trí tâm bão số 5 ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc, 113,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 170km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90 - 100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 160km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10 - 15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 11/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc, 111,2 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100 - 115km/giờ), giật cấp 13.