Trong ngày đầu tiên, Diễn đàn thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội; ngày thứ 2 tập trung vào các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2015 đã dành cả ngày làm việc để thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và khuyến nghị chính sách năm 2015. Các chuyên gia kinh tế tham dự đã kiến nghị, thay vì tăng trưởng kinh tế chạy theo con số nên tập trung vào 3 mục tiêu là tái cơ cấu và cải cách hành chính; hội nhập; tháo gỡ nút thắt nợ xấu và tỷ giá.
CPH phải gắn với hội nhập
Báo cáo đề dẫn tổng quan tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 2014, PGS. TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh: Nhìn vào số liệu sẽ thấy, tăng trưởng năm 2014 vẫn diễn ra theo kịch bản cũ, có tăng trưởng nhưng không bền vững. Ở lĩnh vực nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng năm 2014 cao hơn 3 năm trước nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn 2006 - 2010. Một thực tế cần lưu ý là nhập khẩu của ngành này ở đầu vào lớn. Còn thực chất nền công nghiệp nước ta là nền công nghiệp định hướng phi công nghệ. Phần lớn các DN trong nước hiện nay sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 - 3 thế hệ. Việt Nam xuất khẩu sang nhiều thị trường như Mỹ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng nhập khẩu tới 29% giá trị từ riêng Trung Quốc. Hơn nữa, khối DN FDI đang chiếm tới hơn 67% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và khối này cũng xuất siêu cao trong khi trong nước lại nhập siêu lớn…
Điều cần phải thay đổi, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh là phải lấy kinh tế tư nhân làm động lực chủ yếu, phải có chính sách hỗ trợ phát triển DN, chủ yếu là DN tư nhân. Ngay cả tiến trình tái cơ cấu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh là cần thiết nhưng chưa đúng hướng. "Tái cơ cấu chưa đặt trong bối cảnh hội nhập, nông nghiệp thế nào, công nghiệp hỗ trợ thế nào?" - ông Doanh đặt vấn đề. Theo chuyên gia này, năm 2015 các DN cần phải tái cơ cấu để thích ứng. Đó là tăng trưởng GDP có thể đạt được mức 6%, nhưng xuất khẩu không dễ dàng để đạt được mức tăng trưởng 10% bởi giá dầu thô đã giảm, xuất khẩu sang một số nước, trong đó có Nga gặp khó; sức cầu của nền kinh tế còn yếu. Ngoài ra, năm 2015, một loạt các luật sửa đổi, bổ sung có hiệu lực như: Luật DN; Luật Đầu tư; Luật Nhà ở (cho phép người nước ngoài được mua nhà - tạo ra sự bình đẳng)…
Thống kê của các chuyên gia đưa ra, DNNN chỉ tính riêng trong sản xuất công nghiệp chiếm 24%. 5 ngân hàng NN chiếm 35%. Nếu tính trong cả khối công an, quân đội chiếm trên 40%. "Nếu nền kinh tế có tỷ trọng quốc doanh như vậy là quá lớn, làm giảm sức cạnh tranh. Thủ tướng rất quyết liệt trong CPH DNNN, nhưng trong mấy trăm DNNN CPH thì tỷ lệ vốn Nhà nước vẫn chiếm phần chi phối" - GS Võ Đại Lược nhấn mạnh. Theo ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho rằng, việc CPH động chạm đến một loạt tập đoàn, tổng công ty nên mong muốn Quốc hội cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật cho hoạt động này.
Vẫn tiềm ẩn rủi ro
Vấn đề tỷ giá và nợ xấu vẫn đang là nỗi lo lắng thường trực hiện nay. Trong tham luận, ông Trần Đình Thiên phân tích, mặc dù cam kết không điều chỉnh quá 2%, nhưng riêng trong 3 tháng đầu năm "ngốn" mất 1%. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, dự trữ ngoại hối Việt Nam được nâng lên hơn 36 tỷ USD là mức cao nhất từ trước đến nay, giúp hỗ trợ tốt cho hoạt động thanh toán quốc tế. Tuy nhiên, ông Thiên nhận xét, Việt Nam theo đuổi chế độ neo tỷ giá theo USD giúp làm giảm chi phí và rủi ro giao dịch. Nhưng đối với thị trường tài chính chưa hoàn thiện của Việt Nam nó lại tiềm ẩn những rủi ro tiềm tàng. VND tăng cao, gây áp lực lên tỷ giá, dẫn đến đầu cơ, đe dọa sự ổn định của thị trường ngoại hối. Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược nhận xét, VND bị định giá cao ít nhất 20% là "giết chết" sản xuất trong nước, không hỗ trợ xuất khẩu, ảnh hưởng đến cơ cấu kinh tế.
Lần đầu tiên trong quý I dư nợ tín dụng tăng, tuy nhiên TS Trần Du Lịch cho rằng, chưa đủ đánh giá được thị trường tín dụng đã thông lại chưa. TS Trần Du Lịch khẳng định: "Đó dường như chỉ là biểu hiện bề ngoài, còn ẩn sâu trong tổ chức quản trị, giám sát trên toàn hệ thống vẫn tồn tại nhiều điểm yếu, rõ ràng nhất là xu hướng gia tăng nợ xấu, xử lý nợ xấu phi thị trường. Nợ xấu bị "xích" lại hầu hết, nhưng chưa được xử lý theo nguyên tắc thị trường. Cách xử lý nợ chưa đủ tin cậy vì thiếu "căn cốt" thị trường, liệu rằng, lấy 2000 tỷ đồng vốn của VAMC có phá tan được "cục máu đông" 150.000 - 200.000 tỷ đồng nợ xấu? Liệu trái phiếu của VAMC có đủ là nguồn lực thị trường để mua bán sòng phẳng nợ xấu?".
Công trình đội vốn và gánh nặng nợ công
Các số liệu công bố chính thức tới thời điểm hiện tại đều cho thấy, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam luôn ở dưới mức 65%. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở con số nợ công là bao nhiêu, mà là ở xu hướng tăng trưởng của nợ công và khả năng trả nợ. Nghĩa là cần cân nhắc trong tương lai ngắn hạn rất có khả năng nợ công của Việt Nam sẽ tăng vượt ngưỡng 65%; khả năng trả nợ là rất khó khăn và hạn chế, xét trên những rủi ro về nợ công, quản lý nợ công và vấn về thâm hụt ngân sách.
Mặt khác, về mặt chi tiêu công, Việt Nam hiện ở mức rất cao so với các nước. Chi tiêu chính phủ của Việt Nam luôn chiếm tới hơn 30% GDP trong những năm gần đây. Mức bội chi ngân sách tiếp tục tăng từ mức dự kiến 224.000 tỷ đồng trong năm 2014 lên 226.000 tỷ đồng năm 2015. Việc điều chỉnh và cắt giảm chi tiêu công có cải thiện nhưng chưa hiệu quả, bộ máy công quyền hiện vẫn cồng kềnh và tốn kém. Phân tích sâu hơn, theo các chuyên gia, đặc điểm và cách tính nợ công của Việt Nam, đặt vấn đề hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công sẽ thấy đây là "một thực trạng đáng quan ngại hơn nhiều so với các con số trên".
Theo các chuyên gia, một số dự án đầu tư kém hiệu quả, tình trạng tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn còn, có những dự án tổng mức đầu tư tăng gấp đôi so với ban đầu, có vụ việc nghiêm trọng. "Tham nhũng bị xem nhẹ, trong báo cáo tham luận tại diễn đàn vẫn nói rất nhẹ về tham nhũng mà đây là những vấn đề rất lớn" - chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Ông Lê Đăng Doanh dẫn chứng trường hợp mới đây, Nhật Bản thông qua tổ chức JICA, Hàn Quốc và Ngân hàng Thế giới đã phát hiện những dấu hiệu tham nhũng, đút lót liên quan đến quá trình nhận thầu và đấu thầu xây dựng kết cấu hạ tầng ở Việt Nam. "Với các dự án ODA là dự án tín dụng hỗ trợ phát triển chính thức, Việt Nam đi vay nước ngoài để đầu tư, với tình trạng tham nhũng như đã phát hiện, chắc chắn các nhà tài trợ sẽ không hào hứng để tăng tín dụng cho Việt Nam" - chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu - một trong các thành viên chủ trì Diễn đàn chia sẻ: "Trong nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đều có nói đến chống tham nhũng. Nếu nói đến tham nhũng thì cần có địa chỉ, không nên nói chung chung". Ông Giàu bày tỏ niềm tin, nếu phát hiện tham nhũng thì cơ quan quản lý, chức năng sẽ xử lý nghiêm.
Các chuyên gia nhấn mạnh: Hiệp định thương mại mà ta đã, đang và sẽ ký đòi hỏi chúng ta phải đổi mới quyết liệt. 70% xuất khẩu và sản xuất công nghiệp thuộc về khối đầu tư nước ngoài (FDI), nếu không nhận thức đầy đủ sẽ có những tổn thất lớn. |
May hàng xuất khẩu tại Công ty MACALLAN. Ảnh: Nguyễn Duy
|
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng: Điều chỉnh tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến nợ công Thời điểm tháng 3/2015, NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành đánh giá cán cân thanh toán quốc tế năm 2015, thì thấy thặng dư là 5 tỷ USD. Vì thế, NHNN có cơ sở ổn định tỷ giá. Trong điều hành về tỷ giá, NHNN luôn nâng cao vị thế của đồng Việt Nam, và chống đô la hóa nền kinh tế. Bên cạnh đó, điều hành tỷ giá phải nhìn vào tổng thể nền kinh tế chứ không vì DN xuất khẩu hay nhập khẩu. Điều chỉnh tỷ giá sẽ ảnh hưởng lớn đến nợ công của Nhà nước, và nợ nước ngoài của DN. IMF cũng đánh giá tỷ giá của tiền đồng chưa có dấu hiệu không phù hợp. |