Kinhtedothi - Dù tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) đã có xu hướng giảm cả về số vụ và số người chết, song công tác bảo hộ lao động (BHLĐ) tại các DN của Hà Nội vẫn đang bộc lộ không ít tồn tại, hạn chế. Đó là nhận định của lãnh đạo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội nhân Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ - PCCN năm 2015.
Nhiều hạn chế trong công tác bảo hộ lao động
Thời gian gần đây, công tác tuyên truyền, giáo dục người lao động (NLĐ) và người sử dụng LĐ thực hiện tốt quy định pháp luật về ATVSLĐ luôn được các cấp công đoàn (CĐ) TP quan tâm triển khai hiệu quả. Thực hiện chức năng tham gia kiểm tra, giám sát, riêng trong năm 2014, LĐLĐ TP phối hợp với Sở LĐTB&XH, Y tế, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy đã tổ chức kiểm tra 50 đơn vị, DN trên địa bàn về thực hiện công tác ATVSLĐ; phối hợp với cơ quan chức năng thanh tra trên 200 DN về thực hiện pháp luật về LĐ, Luật BHXH, Luật CĐ, trong đó có nội dung ATVSLĐ. Bên cạnh đó, LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, CĐ ngành và CĐ cấp trên cơ sở phối hợp với chính quyền đồng cấp kiểm tra 295 đơn vị, DN về thực hiện quy định Nhà nước trong công tác ATVSLĐ - PCCN. Đã có 1.620 CĐ cơ sở tự kiểm tra tại cơ sở về ATVSLĐ - PCCN, kiến nghị với người sử dụng LĐ quan tâm đầu tư cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo chế độ chính sách BHLĐ cho NLĐ.
Mặc dù vậy, năm 2014, trên địa bàn TP vẫn để xảy ra 132 vụ TNLĐ, trong đó có 33 vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết 34 người, bị thương nặng 4 người. Các vụ tai nạn chủ yếu xảy ra trong các ngành xây dựng, sửa chữa và sử dụng điện. So với năm 2013, tổng số vụ TNLĐ giảm 4 vụ, số vụ nghiêm trọng giảm 4 vụ và số người chết giảm 10 người. Trong năm qua cũng đã xảy ra 166 vụ cháy, nổ trên địa bàn làm chết 18 người và bị thương 16 người, thiệt hại về tài sản ước tính 200 tỷ đồng. Nguyên nhân xảy ra cháy được xác định vẫn chủ yếu do chập điện.
Nan giải bài toán về nhận thức
Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Đặng Minh Thuần cho rằng, tuy đã cố gắng song tại nhiều DN, vai trò của CĐ cơ sở trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ về ATVSLĐ rất mờ nhạt. Hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sử dụng LĐ, NLĐ về ATVSLĐ vẫn thiếu sáng tạo nên hiệu quả thấp. Trong khi đó, mạng lưới ATVS viên đã phát triển lên 34.000 người tại 1.870 cơ sở, đáng lẽ phải là nòng cốt làm công tác BHLĐ song dường như mới chỉ hoạt động hình thức, chưa phát huy hiệu quả. Nhiều đơn vị chưa xây dựng được quy chế hoạt động, chưa có phụ cấp, nên cũng chưa khuyến khích mạng lưới này hoạt động tích cực. Bên cạnh đó, trách nhiệm của các cấp CĐ trong công tác ATVSLĐ đã được pháp luật quy định nhưng lại chưa được thực thi nghiêm. Cơ quan chức năng cũng không thường xuyên phúc tra lại việc khắc phục của đơn vị về những kiến nghị của các đoàn thanh, kiểm tra.
Đáng chú ý, bản thân DN, người sử dụng LĐ thiếu quan tâm đến công tác ATVSLĐ, vi phạm nhiều chế độ chính sách với NLĐ, như: Chế độ TNLĐ - bệnh nghề nghiệp, bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật, huấn luyện ATVSLĐ, khám sức khỏe định kỳ, cấp phương tiện bảo vệ cá nhân… Thậm chí, nhiều DN trốn đóng, nợ đọng BHXH cũng làm ảnh hưởng đến quyền lợi NLĐ khi bị tai nạn. Còn với bản thân NLĐ, "trình độ văn hóa, tác phong công nghiệp của một bộ phận chưa cao, hay làm ẩu, vi phạm nội quy ATVSLĐ khi làm việc. Nhất là trong ngành xây dựng, phần lớn là LĐ nông nhàn từ vùng sâu, vùng xa về Hà Nội làm việc; năng lực nhà thầu kém; chủ đầu tư, tư vấn giám sát thì thiếu quan tâm đến BHLĐ… - tất cả đã làm gia tăng TNLĐ nghiêm trọng trong lĩnh vực này" - ông Thuần nhấn mạnh.
Trước thực trạng đó, Ban Thường vụ LĐLĐ TP đã yêu cầu các cấp CĐ thường xuyên, liên tục đổi mới và đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền về ATVSLĐ - PCCN tại DN, để từ chủ sử dụng LĐ đến NLĐ đều thấy được tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ mà tự giác chấp hành. CĐ cũng cần chủ động phối hợp với chính quyền đẩy mạnh phong trào "Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm ATVSLĐ", tổ chức các đoàn kiểm tra, tự kiểm tra về thực hiện pháp luật ATVSLĐ tại DN, trong đó tập trung vào những cơ sở sản xuất có nhiều nguy cơ gây TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ. Để nâng cao hiệu quả mạng lưới ATVS viên cơ sở, các cấp CĐ cần kiện toàn mạng lưới này đi liền với tổ chức những hội thi ATVS viên giỏi, tập huấn nâng cao trình độ kỹ năng cho cán bộ CĐ…
Nữ công nhân làm việc tại Công ty TNHH ToHo Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh. Ảnh: Thanh Hải
|
Để giảm thiểu TNLĐ, bệnh nghề nghiệp trong khu vực sản xuất cần đổi mới, sáng tạo ngay từ cách tuyên truyền nâng cao nhận thức, sao cho đơn giản, ngắn gọn, giúp NLĐ dễ tiếp cận. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ tuyên truyền vẫn quá "mỏng" so với con số trên 60.000 DN tại Hà Nội. Vì vậy, Ban Thường vụ LĐLĐ TP cần quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng, trong đó tập trung đào tạo giảng viên nguồn, sao cho mỗi LĐLĐ quận, huyện có tối thiểu 2 - 3 cán bộ chuyên trách đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ đào tạo về công tác BHLĐ. Ông Vũ Anh Đức - Phó ban Quan hệ LĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam |