Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa phát hiện mẫu dương tính với cúm A/H7N9

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam vẫn đang ở tình huống thứ nhất, tức là chưa phát hiện virus cúm gia cầm A/H7N9 đối với cả mẫu trên gia cầm, môi trường và con người. Ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết như vậy tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 3 của Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 3/3.

Theo đại diện Cục Thú y, trước đây chúng ta bị động phòng chống dịch, nhưng những năm gần đây chuyển từ thế bị động sang chủ động. Chính vì vậy, dịch cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6 đã trở thành dịch bệnh địa phương. Qua giám sát trung bình 1 - 7% gia cầm, thủy cầm đặc biệt là vịt, ngan khỏe mạnh nhưng mang virus cúm gia cầm H5N1 và H5N6.
Ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y thông tin tại buổi họp báo.
Hiện nay, cả nước còn các ổ dịch cúm gia cầm xảy ra tại 15 hộ chăn nuôi thuộc 11 xã của 7 tỉnh chưa qua 21 ngày. Trong đó cúm A/H5N1 xảy ra tại 10 hộ của 8 xã và cúm A/H5N6 xảy ta tại 5 hộ chăn nuôi của 3 xã. Ông Đàm Xuân Thành cho biết, những ổ dịch này được khoanh vùng, tiêu hủy gia cầm nhiễm bệnh và chết, khử trùng tiêu độc nên không lây lan trên diện rộng. Đáng lo nhất hiện nay là virus cúm A/H7N9 vì khi gia cầm mắc virus không có triệu chứng lâm sàng nhưng khi nhiễm sang người tỷ lệ tử vong cao gần 40%.
Hiện, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng với Bộ Y tế đã tiến hành các biện pháp hết sức quyết liệt để ngăn chặn virus cúm A/H7N9 xâm nhiễm vào Việt Nam. Đặc biệt, Bộ Y tế đã có kế hoạch hành động khẩn cấp 4 tình huống. Bộ NN&PTNT cũng có kế hoạch ứng phó với 4 tình huống. Tình huống 1 là khi chưa phát hiện H7N9 ở gia cầm, người, môi trường. Tình huống 2 là khi chưa phát hiện virus cúm A/H7N9 ở môi trường và gia cầm nhưng phát hiện trên người. Tình huống 3 là phát hiện virus cúm A/H7N9 trong môi trường, gia cầm nhưng chưa phát hiện trên người. Tình huống 4 là phát hiện ra trên gia cầm, môi trường và có người mắc bệnh. “Hiện nay Việt Nam đang ở tình huống 1. Các cơ quan chức năng đã lấy trên 202.000 mẫu môi trường, gia cầm, người tại 200 chợ, tụ điểm có nguy cơ cao của 20 tỉnh, TP, trong đó có cả Hà Nội nhưng các mẫu chưa phát hiện dương tính với cúm A/H7N9” - ông Đàm Xuân Thành cho biết.
Trước diễn biến của dịch cúm gia cầm, Bộ NN&PTNT đã có công điện khẩn về tăng cường phòng chống cúm A/H7N9 và ban hành kế hoạch khử trùng tiêu độc đợt 1. Đồng thời thành lập 5 đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại các tỉnh biên giới và lập 8 đội phản ứng nhanh gồm 100 người có kinh nghiệm và tăng cường lấy mẫu. Đặc biệt mới đây, được sự hỗ trợ của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp quốc đã tập huấn công tác lấy mẫu cho đội ngũ cán bộ thú y. Ngành y tế cũng lấy hơn 4.000 mẫu trên người mắc viêm phổi cấp, viêm đường hô hấp trên chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với virus cúm A/H7N9 trên người.
Một số thông tin về virus cúm A/H7N9:

Loại virus này chứa các chủng gen từ ba nguồn gia cầm: Chủng N9 từ các loài chim hoang dã, chủng H7 từ vịt ở Trung Quốc và các kiểu gien nội khác từ đàn gia cầm nuôi tại khu vực. H7N9 là loại virus phát tán trong gia cầm và lây lan sang người tại Trung Quốc từ đầu năm 2013.

Hiện tại, đến ngày 22/2/2017, các tỉnh ở Trung Quốc đã tìm thấy virus lây nhiễm cho 1.230 người nhiễm và khiến 428 người tử vong (tỷ lệ tử vong gần 40%). Virus cúm không lây truyền khi ăn các thực phẩm đã nấu chín, nếu thực phẩm đạt đến 70°C toàn phần, đồ ăn sẽ an toàn để ăn với điều kiện đã được xử lý đúng cách và nấu chín. Tuy nhiên, FAO khuyến cáo không ăn động vật mắc bệnh hoặc động vật có thể đã chết vì bệnh.
Theo Cục Thú y, việc quan trọng nhất trong tình hình hiện nay là ngăn chặn nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm từ biên giới vào Việt Nam. Việc này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các tỉnh biên giới. Đối với nguy cơ lây nhiễm dịch từ chim trời, đại diện Cục Thú y cho biết, giải pháp quan trọng nhất là khử trùng, tiêu độc môi trường và thứ hai là lấy mẫu để giám sát, tránh bị động.
Ông Đàm Xuân Thành chia sẻ thêm, hiện nay đã bỏ quy định kiểm dịch nội tỉnh nhưng gia cầm phải được kiểm soát giết mổ, đảm bảo không lây lan dịch bệnh và ATTP. Ông Thành khuyến cáo người tiêu dùng mua sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, có kiểm soát thú y, kiểm soát giết mổ, không nên ăn tiết canh và khi tiếp xúc với gia cầm ốm chết phải rửa tay xà phòng. Đối với người chăn nuôi, nên mua giống từ nơi có nguồn gốc rõ ràng, chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, khử trùng tiêu độc và tiêm phòng vaccine cúm A/H5N6, cúm A/H5N1 cho đàn gia cầm, đặc biệt không vứt xác gia cầm ốm chết bừa bãi.
Cũng trong ngày 3/3, tổ chức FAO tại Việt Nam đã có thông cáo báo chí về việc cam kết hợp tác chặt chẽ với Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) để bảo vệ sinh kế của người dân trước virus cúm A/H7N9.
Theo FAO, các nhà chức trách Trung Quốc gần đây báo cáo số người mắc cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đang gia tăng đột biến, lên tới hơn 400 ca trong vòng 3 tháng qua. Các chợ gia cầm sống là những địa điểm chính làm lây lan virus này từ gia cầm sang gia cầm và từ gia cầm sang người. Hiện nay Việt Nam chưa phát hiện virus cúm A/H7N9, tuy nhiên FAO và Cục Thú y đang hết sức quan tâm và huy động các nguồn lực bổ sung nhằm ngăn chặn sự xâm nhiễm và cũng như sớm phát hiện cúm A/H7N9 dọc theo khu vực biên giới phía Bắc.
FAO khuyến nghị Cục Thú y và các tỉnh biên giới phía Bắc cần ngăn ngừa việc vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, phát hiện gia cầm nhiễm virus thông qua việc lấy mẫu và xét nghiệm đối với cả gia cầm mắc bệnh và gia cầm khỏe dọc theo chuỗi giá trị, thường xuyên vệ sinh các chợ gia cầm sống và đưa thông tin rõ ràng tới cho người dân. Các cơ quan thú y tỉnh cũng được khuyến khích phối hợp với các cơ quan y tế trong việc điều tra tình trạng gia cầm chết trong cộng đồng tại những nơi có phát hiện có bệnh nhân mắc bệnh viêm phổi nặng do virus. Bản thân các cán bộ thú y cũng cần phải tuân thủ các biện pháp bảo hộ lao động khi tiếp xúc với cả gia cầm ốm cũng như gia cầm khỏe do gia cầm nhiễm cúm A/H7N9 bề ngoài nhìn vẫn rất khỏe mạnh.
Từ năm 2004, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát khẩn cấp dịch bệnh động vật xuyên biên giới thuộc FAO Việt Nam đã hỗ trợ Cục Thú y ứng phó với dịch bệnh cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) H5N1. Năng lực dịch tễ học thực địa và chẩn đoán xét nghiệm được xây dựng trong suốt quá trình hợp tác giúp cải thiện đáng kể khả năng chẩn đoán cúm gia cầm và phòng chống hiệu quả việc phát tán cúm gia cầm độc lực cao tại Việt Nam. Năng lực này cũng sẽ giúp giảm nguy cơ virus cúm A/H7N9 xâm nhập Việt Nam và đáp ứng trong trường hợp phát hiện loại virus này tại Việt Nam. Hiện, FAO và Cục Thú y thường xuyên thu thập các mẫu bệnh phẩm từ các tỉnh dọc biên giới phía Bắc, nơi nguy cơ bị virus cúm A/H7N9 xâm nhiễm cao nhất.