Để hạn chế việc này, đồng thời khuyến khích các công trình nghiên cứu bám sát thực tiễn Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị khoa học công nghệ trong lĩnh vực chăn nuôi ngày 26 - 27/3.
Một con lợn, mười dòng máu
Theo thống kê, mỗi năm Viện Chăn nuôi, cơ quan chủ lực của Bộ NN&PTNT về nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực chăn nuôi chuyển giao vào sản xuất khoảng 1.700 con lợn giống, 600.000 liều tinh bò, trên 15 triệu con gia cầm giống các loại.
Nhờ có giống mới, kỹ thuật chăm sóc mới, nhiều hộ chăn nuôi đã vươn lên làm giàu. Mặc dù vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn chăn nuôi. Trong đó, thiếu sự gắn kết giữa nghiên cứu với chuyển giao vào sản xuất đến từng địa phương. Hơn nữa, thời gian nghiên cứu kéo dài do phương pháp và công nghệ còn hạn chế.
Chăm sóc lợn sơ sinh tại xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Quang Thiện
Ông Nguyễn Văn Tình, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Dương trăn trở, một vấn đề đáng báo động hiện nay là để giảm giá thành con giống, nhiều nông dân tự cho lai tạo các giống lợn, gà mang quá nhiều dòng máu, thậm chí có con lợn mang 9 - 10 dòng máu. Điều đó dẫn tới chất lượng con giống kém, lợn còi cọc, tiêu tốn thức ăn nhưng chậm lớn.
Ngoài ra, việc triển khai các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học và biện pháp đảm bảo môi trường chăn nuôi vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi (TĂCN) Việt Nam, do trình độ khoa học còn hạn chế và thiếu sự quan tâm đầu tư nghiên cứu nên chúng ta phải nhập hầu như 100% những nguyên liệu bổ sung trong sản xuất TĂCN như chất khoáng, vitamin...
Hơn nữa, hiện nay, sản xuất TĂCN trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 35 - 40% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu. Điều này khiến cho giá thành luôn ở mức cao, người chăn nuôi phải gánh chịu toàn bộ chi phí.
Gắn nghiên cứu với sản xuất
Thẳng thắn thừa nhận những tồn tại, hạn chế của hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực chăn nuôi, ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi chia sẻ, đã đến lúc phải thay đổi cách tiếp cận trong công tác nghiên cứu khoa học.
Theo ông Sơn, việc nghiên cứu cần xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người sản xuất, doanh nghiệp và địa phương. Do đó, ngành nông nghiệp cần sớm triển khai khảo sát, thiết lập bản đồ chăn nuôi cho từng vùng sinh thái, từng địa phương để định hướng nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật phù hợp. Đồng thời, tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới nhất để rút ngắn thời gian nghiên cứu, sớm triển khai vào thực tiễn.
Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu gợi ý, ngành chăn nuôi cần xây dựng chiến lược nghiên cứu, chọn tạo các giống vật nuôi chủ lực của từng vùng sinh thái. Trên cơ sở đó, hướng dẫn địa phương quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung và phát triển vùng nguyên liệu như trồng cỏ, ngô, sắn làm TĂCN. Song song với đó, phát triển các sản phẩm chăn nuôi an toàn sinh học theo chuỗi gắn với xây dựng thương hiệu.
"Nếu mỗi vùng có sản phẩm chăn nuôi đặc trưng, xây dựng được chỉ dẫn địa lý và thương hiệu sẽ phát huy được thế mạnh, nâng cao thu nhập cho nông dân" - bà Thu khẳng định.
"Ngành chăn nuôi của Việt Nam vẫn còn kém một khoảng cách khá xa so với nhiều nước trong khu vực. Nếu chúng ta không thay đổi cách nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới... rất khó theo kịp họ".Bà Nguyễn Thị Xuân ThuThứ trưởng Bộ NN&PTNT