Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa thể chủ quan với lạm phát

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mục tiêu lạm phát (tốc độ tăng CPI bình quân năm) năm nay theo Nghị quyết của Quốc hội là dưới 4%.

Diễn biến trong 7 tháng qua là tín hiệu khả quan nhưng vẫn chưa thể chủ quan thỏa mãn bởi những yếu tố tác động trong thời gian còn lại của năm.
Tính đến 7 tháng, CPI bình quân so với cùng kỳ năm trước tuy có xu hướng cao lên so với tốc độ tăng tương ứng của những tháng đầu năm nhưng vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội.
Đây là kết quả tích cực và là tín hiệu khả quan để cả năm có thể tăng thấp hơn mục tiêu đề ra. Nếu cả năm CPI bình quân tăng như trên thì đây là năm thứ 6 đã được kiểm soát theo mục tiêu - một tư duy mới so với tư duy cũ là kiềm chế lạm phát trong các thời kỳ trước.
Kết quả trên đạt được do nhiều nguyên nhân. Yếu tố tổng quát là quan hệ giữa sản xuất với tích lũy, tiêu dùng ở trong nước. Tính chung 6 tháng và 7 tháng đã xuất siêu, chứng tỏ cung tăng cao hơn cầu, vừa có tác động đến tăng cung, vừa không gây sức ép lên lạm phát. Nhiều mặt hàng tiêu dùng, nhất là nông sản xuất khẩu giảm.
Về tài chính, tiền tệ - yếu tố trực tiếp của lạm phát, thì trong cân đối ngân sách chuyển từ bội chi trong thời kỳ trước sang bội thu trong 6 tháng năm nay. Trong lĩnh vực tiền tệ, tốc độ tăng tín dụng thấp, lãi suất huy động tăng để hút tiền về. Yếu tố tâm lý - tuy không phải là yếu tố kinh tế nhưng trong nhiều trường hợp tác động còn lớn hơn cả yếu tố kinh tế - trong 6 tháng qua không gây áp lực lên lạm phát, khi tỷ giá VNĐ/USD sau 7 tháng giảm (0,27%). Việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tiếp tục được giãn, hoãn (trừ giá điện, giá xăng dầu và một phần dịch vụ giáo dục)...
Từ diễn biến trong 7 tháng qua và các yếu tố tác động trong những tháng còn lại, có thể dự đoán tốc độ tăng CPI bình quân cả năm 2019 so với năm 2018 sẽ ở mức trên dưới 4%. Nếu dự đoán đó là đúng thì năm 2019 sẽ là năm thứ 6 lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu và đó là một thành công.
Tuy nhiên, chưa thể chủ quan, thỏa mãn, bởi vẫn có những yếu tố gây áp lực lên lạm phát. Giá thực phẩm 7 tháng đã tăng khá cao (4,96%) và có thể còn tăng cao hơn nữa do đàn lợn bị tác động của dịch tả lợn châu Phi bị thiệt hại lớn. Giá dịch vụ giáo dục 7 tháng đã tăng cao (6,28%); tới đây sẽ tăng cao hơn khi bước vào năm học mới và với tự chủ đại học đi vào thực hiện. Giá giao thông sẽ không còn giảm như 7 tháng mà sẽ tăng lên do giá xăng dầu tăng.
Thêm vào đó, lộ trình giá thị trường đối với dịch vụ y tế sẽ được một số địa phương, nhất là địa phương có quy mô lớn thực hiện... Hơn nữa, sự nới lỏng chính sách tiền tệ của nhiều nền kinh tế sẽ làm cho lạm phát tăng lên và lạm phát của Việt Nam cũng tăng lên theo. Theo đó, tốc độ tăng CPI sẽ tăng cao vào những tháng cuối năm, đặc biệt là giáp Tết.