Để làm rõ vấn đề này, chiều 25/4, Kinh tế & Đô thị, đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam.
Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng: "Việc một trạm quan trắc môi trường không khí tự động đặt tại đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) liên tục ghi nhận nồng độ thủy ngân trong không khí ở Hà Nội tăng cao và chỉ xảy ra ở một thời điểm, là một con số phản ánh đột xuất, nên chưa thể khẳng định không khí ở Hà Nội bị ô nhiễm thủy ngân. Bởi chỉ số này còn phụ thuộc vào nguồn phát thải thủy ngân, mà ở Hà Nội hiện nay là chưa có nhiều".
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng cho rằng, thủy ngân chứa trong một số nguồn như xăng dầu, bóng đèn ne-on, một số dụng cụ y tế như nhiệt kế, sơn cắt kim loại vốn chứa cả thủy ngân, chì… Do đó, không dễ dàng để thủy ngân có thể bay ra khỏi môi trường và bốc hơi lên không khí. "Để làm rõ nồng độ ô nhiễm này là bao nhiêu, mức ảnh hưởng thế nào, cũng cần đo đạc và đánh giá cụ thể lại mới có thể đưa ra nhận định. Không thể căn cứ số liệu quan trắc tại trạm Nguyễn Văn Cừ mà nói không khí Hà Nội bị ô nhiễm thủy ngân" - GS Đăng nói.
Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, không khí ô nhiễm do nhiễm chất như SO2, NO2, CO... nhưng chỉ có bụi và benzene là 2 loại chất gây ô nhiễm và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người. "Đáng ngại nhất hiện nay là ô nhiễm bụi và ô nhiễm khí benzene, chứ không phải thủy ngân. Thủ đô Hà Nội của Việt Nam đã đứng vào top 10 các TP ô nhiễm lớn trên thế giới" - GS Đăng cho hay.
Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, khí benzene có nguồn gốc xăng, dầu, gas... bốc hơi lên. Nơi thường xuyên ghi nhận có nhiều khí benzene là các trạm xăng dầu trong quá trình nhập kho; khí thải từ xe máy, ô tô có chất lượng kém, tập trung tại các điểm tắc nghẽn giao thông, nút giao thông chờ đèn đỏ... Khói xả từ ô tô, xe máy, đường sá mất vệ sinh khiến xe cộ đi qua cuộn lên, gây bụi… đó là nguồn ô nhiễm đáng cảnh báo hiện nay tại Hà Nội. Đối với người dân, để tự tránh khí thải benzene từ các phương tiện cơ giới như ô tô, xe máy, mỗi người cần bảo dưỡng xe thường xuyên, chú ý van, măng - sông chứa xăng sau một thời gian sử dụng sẽ bị hở ra và xăng dầu dễ có nguy cơ bốc hơi. Bản thân máy dùng động cơ đốt không hết xăng cũng sẽ sinh ra benzene trong ống xả. Thậm chí, xe máy, ô tô để trong nhà mà thiếu sự thông gió cũng sẽ có mùi xăng ở trong nhà, đó chính là khí benzene độc hại. Chính vì vậy, hiện tại bụi và khí benzene mới là vấn đề đáng lo ngại tại Hà Nội.
Nói về mức độ ô nhiễm và phát tán của thủy ngân, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng cho biết: Theo quy chuẩn Việt Nam (06/2009/TCVN), nồng độ thủy ngân trong không khí không được quá giới hạn 0,6 mcrogam/m3 không khí. "Tuy nhiên như đã nói, thủy ngân là kim loại nặng, chỉ xuất phát từ các nhà máy nhiệt điện, mà các nhà máy này nằm rất xa Hà Nội. Các nguồn khác (từ bóng đèn ne-on, sơn tàu thủy, các thiết bị y tế) đều ít có khả phát tán nên trước mắt Hà Nội hãy lo đối phó với bụi mịn và benzen" - GS Phạm Ngọc Đăng chia sẻ.
Không khí tại Hà Nội ngày một bị ô nhiễm một phần do khói bụi từ xây dựng. Ảnh: Phạm Hùng
|