Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa thể quản chặt taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội hiện có trên 56.000 xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ hoạt động dưới hình thức taxi công nghệ; chưa kể đến hàng nghìn xe sử dụng phù hiệu taxi ngoại tỉnh nhưng lại kinh doanh trên địa bàn TP. Lực lượng này là một trong những tác nhân gây UTGT, mất an ninh, trật tự cho Thủ đô, đặc biệt là khu vực nội thành.

Xe taxi đón khách trên phố Thịnh Liệt. Ảnh: Hải Linh
Hệ lụy ngay trước mắt
Thông tin từ Sở GTVT Hà Nội, hiện toàn TP có 43.453 ô tô dưới 9 chỗ đăng ký kinh doanh dưới dạng xe hợp đồng, bao gồm xe của các đơn vị tham gia thí điểm theo Quyết định số 24/QĐ - BGTVT của Bộ GTVT (trong đó riêng thương hiệu Grabcar 15.240 xe, ngoài ra TP còn có 19.265 xe taxi). Tuy nhiên thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid, tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nên các hãng taxi đã phải tạm thời ngưng hoạt động của trên 6.000 phương tiện. Như vậy tính đến thời điểm này, Hà Nội có trên 56.000 xe kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó có hàng nghìn xe sử dụng phù hiệu: Xe taxi, Xe hợp đồng do các địa phương cấp, nhưng thực chất lại hoạt động chủ yếu trên địa bàn Thủ đô. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội nhận định: “Hiện tượng này đã gây khó khăn trong việc kiểm soát số lượng xe ô tô dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải trên địa bàn TP và đã vượt quá mục tiêu đặt ra với giai đoạn hiện nay”. Đặc biệt, công tác quản lý xe hợp đồng dưới 9 chỗ đã phát sinh nhiều bất cập do việc phát triển số lượng phương tiện liên tục tăng nhanh (bao gồm cả xe biển kiểm soát các tỉnh khác về Hà Nội tham gia hoạt động). Những bất cập này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đề án phát triển hành khách công cộng và công tác tổ chức giao thông của TP, đặc biệt là việc quản lý số lượng xe taxi và phương tiện cá nhân.

Nhiều chuyên gia cho rằng, xe hợp đồng dưới 9 chỗ, hay còn được gọi là taxi công nghệ không dán tem, đeo mào nên dễ khiến người dân lầm tưởng số lượng ít hơn xe taxi. Trên thực tế, cái khó mà loại hình này mang lại mới chính là thách thức lớn nhất đối với giao thông TP, bởi số lượng phát triển quá nhanh, tạo áp lực vô cùng lớn lên giao thông TP. Hơn nữa loại hình này không chịu sự quản lý chặt chẽ bởi các DN (hầu hết là xe cá nhân), lại khó nhận dạng và xử lý vi phạm so với xe taxi.

Trong khi đó, taxi truyền thống lại gây ra những rắc rối khác, dễ nhận thấy hơn, phản cảm hơn xe taxi công nghệ. Hình ảnh từng đoàn taxi vây kín cổng các bệnh viện, bến xe, sảnh chờ chung cư, khu đô thị… đâu đâu cũng có thể thấy. Không chỉ gây rối loạn giao thông, lực lượng taxi này còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh, trật tự đối với những khu vực đông đúc. Nhiều hãng còn lách luật bằng cách mở văn phòng đại diện, chi nhánh tại tỉnh ngoài, đăng ký kinh doanh, xin cấp phù hiệu để đưa xe về Hà Nội hoạt động, như vậy sẽ không bị khống chế số lượng theo khung mà TP đã định sẵn. Thanh tra GTVT, CSGT, Cảnh sát trật tự liên tục xử phạt, camera phạt nguội cũng được trang bị trên nhiều tuyến đường, nhưng tất cả đều bất lực trước sự “gan lì” của xe taxi. Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định: “Chính việc bỏ ngỏ trách nhiệm quản lý của các DN đã khiến tình trạng taxi bao vây bệnh viện, bến xe… ngày càng trở nên phức tạp, khó giải quyết”.

Thiếu công cụ kiểm soát

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng, không ít xe hợp đồng dưới 9 chỗ hiện nay không niêm yết logo, không dán phù hiệu và các thông tin theo quy định của Bộ GTVT, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng. Còn đối với xe taxi, theo quy định tại Nghị định 100/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, xe kinh doanh vận tải hành khách du lịch phải có trên 70% tổng thời gian hoạt động trong một tháng (của xe) tại địa bàn được cấp phù hiệu. Tuy nhiên, do chưa có phần mềm để phân tích thời gian hoạt động của từng phương tiện nên lực lượng thanh tra giao thông gặp rất nhiều khó khăn khi tiến hành kiểm tra, xử phạt.

Muốn hạn chế vi phạm của xe taxi, xe hợp đồng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các phương tiện kinh doanh vận tải qua hệ thống giám sát hành trình. Thông qua số liệu thống kê về kết quả xử lý vi phạm của lực lượng Thanh tra GTVT, CSGT, Cảnh sát trật tự, nếu phát hiện các phương tiện taxi ngoại tỉnh hoạt động nhiều trên địa bàn TP, Sở GTVT Hà Nội sẽ có văn bản đề nghị Sở GTVT các địa phương nơi cấp phù hiệu, Giấy phép kinh doanh vận tải, có hình thức xử lý, thu hồi phù hiệu, Giấy phép đối với các phương tiện vi phạm nhiều lần, các DN có nhiều phương tiện vi phạm.

Lực lượng CSGT, Cảnh sát trật tự cho biết, đã nhiều lần kiến nghị Sở GTVT, Thanh tra GTVT xử lý nghiêm các DN để buộc DN phải tự siết chặt quản lý đối với lái xe taxi. Nhưng việc có xử lý DN hay không, xử lý như thế nào, hiệu quả ra sao thì Sở GTVT Hà Nội vẫn chưa công bố. Trong khi đó, hàng nghìn chiếc taxi vẫn tiếp tục “làm khổ” người tham gia giao thông trên nhiều tuyến đường nội thành Hà Nội, hàng vạn chiếc xe hợp đồng dưới 9 chỗ vẫn ngày ngày chen chúc trên hệ thống giao thông Thủ đô. Các chuyên gia cho rằng, đây không chỉ là trách nhiệm của Sở GTVT.
Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, Hà Nội đang đối diện với rất nhiều vấn đề, hệ luỵ từ thị trường kinh doanh vận tải, trong đó có loại hình xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ. Khác với xe khách liên tỉnh chỉ làm “nóng” một vài khu vực, hay xe quá khổ, quá tải chủ yếu chạy chui ban đêm, tung hoành vùng ngoại ô, xe taxi, xe hợp đồng lại xộc thẳng vào khu vực trung tâm, nội thành nơi đông dân cư và áp lực giao thông vô cùng lớn. Nếu không có giải pháp quản lý, tiếp tục bỏ ngỏ trách nhiệm DN, để xe vi phạm nhờn luật, hình ảnh một Hà Nội văn minh, hiện đại, sẽ chịu ảnh hưởng ngày càng xấu, tổn thất về kinh tế sẽ ngày càng lớn.