Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa thể tái đàn

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi thông tin Học viện Nông nghiệp Việt Nam công bố bước đầu nghiên cứu thành công vaccine dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vô hoạt, một số người chăn nuôi đã hiểu sai thông tin này và nóng vội tái đàn.

 Chăn nuôi lợn tại xã Cát Quế, Hoài Đức.
Khoảng hơn một tuần nay, tại một số diễn đàn, hội, nhóm trên Facebook dành cho những người chăn nuôi lợn như: "Hội chăn nuôi lợn Việt Nam", "Chăn nuôi lợn 3 miền Bắc – Trung – Nam"… đang xôn xao truyền nhau thông tin về việc Việt Nam đã sản xuất thành công vaccine phòng chống DTLCP. Tài khoản Facebook Nguyễn Nhung chia sẻ link bài báo “Việt Nam sản xuất thành công vaccine DTLCP” trong nhóm “Hội chăn nuôi lợn Việt Nam” cùng lời kêu gọi: “Đã có thuốc chữa được rồi, bà con chuẩn bị tái đàn thôi”. Ngay lập tức, thông tin này nhận được rất nhiều bình luận của người chăn nuôi. Tài khoản Facebook với tên gọi Kiều Nguyễn ở Phúc Thọ (Hà Nội) bình luận: "Mừng quá, vậy là đã có thuốc tiêu diệt DTLCP". Đồng thời cho biết, chị đang muốn vào đàn nuôi 50 con lợn giống.

Hộ ông Đồng Văn Đệ, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức cách đây hơn một tháng phải tiêu hủy gần 100 con lợn do DTLCP. “Lo sợ DTLCP quay lại nên hơn một tháng nay tôi để chuồng trống. Nhưng giờ đã có vaccine phòng rồi, tôi sẽ sớm tìm mua 100 lợn giống để tái đàn” – ông Đệ cho hay.

Trước những thông tin chưa chính xác về việc Việt Nam sản xuất thành công vaccine phòng chống DTLCP, đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phủ nhận thông tin này. Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Thời gian qua, Học viện đã nghiên cứu và tiến hành tiêm thử nghiệm vaccine DTLCP vô hoạt tại 3 trại lợn bị bệnh DTLCP thuộc 3 hộ gia đình trong vùng dịch của Hưng Yên. “Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu khả quan trong quy mô phòng thí nghiệm. Với loại vaccine vô hoạt đã sản xuất ra, cần tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm thêm trên diện rộng hơn”- GS.TS Nguyễn Thị Lan nói

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, DTLCP đã bùng phát trên thế giới 100 năm nay nhưng chưa có nước nào sản xuất thành công vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc đặc trị. Do đó, người chăn nuôi không nên nóng vội, cần xem xét kỹ trước khi tái đàn. Theo ông Sơn, nếu tái đàn, cần phải đảm bảo theo đúng quy định. Đối với các hộ chăn nuôi nằm trong vùng xảy ra DTLCP, sau 30 ngày không phát sinh bệnh dịch mới được tái đàn. Các hộ chăn nuôi khi tái đàn phải bảo đảm con giống có nguồn gốc rõ ràng, từ cơ sở an toàn dịch bệnh hoặc được giám sát định kỳ theo quy định. Lợn vận chuyển từ các tỉnh khác vào TP phải có giấy chứng nhận kiểm dịch... Nên tái đàn từ từ để kiểm tra tình hình trước, không nên làm ồ ạt. Trước khi tái đàn phải khai báo với chính quyền, thú y địa phương và được chính quyền địa phương cho phép. Nếu không khai báo, khi xảy ra DTLCP sẽ không được nhận hỗ trợ và bị xử lý vi phạm. Trong quá trình chăn nuôi, cần áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; hạn chế người chăn nuôi ra vào vùng dịch, không đến các khu tiêu hủy lợn bệnh...