Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa thống nhất trong cách ra đề kiểm tra Ngữ văn theo hướng đổi mới

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Yêu cầu về đổi mới trong đánh giá môn Ngữ văn nhằm khích lệ khả năng sáng tạo của học sinh, góp phần triệt tiêu văn mẫu đã và đang được các trường cụ thể hóa trong cách thức dạy- học và ra đề kiểm tra học kỳ 1.

Đề có trắc nghiệm và sử dụng ngữ liệu mới

Cùng yêu cầu đổi mới trong dạy và học môn Ngữ văn, Bộ GD&ĐT cũng đặt ra nhiệm vụ đổi mới cách kiểm tra, đánh giá với môn học này thông qua 4 nội dung; đó là đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh; Tập trung thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kĩ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới; tạo cơ hội để học sinh khám phá những tri thức mới.

Đổi mới trong phương pháp dạy- học và kiểm tra đánh giá là yêu cầu được đặt ra đối với ngành GD&ĐT hiện nay
Đổi mới trong phương pháp dạy- học và kiểm tra đánh giá là yêu cầu được đặt ra đối với ngành GD&ĐT hiện nay

Ngoài ra, trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, Bộ GD&ĐT đề nghị các trường tránh dùng lại các văn bản đã học trong SGK làm ngữ liệu nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn. Thêm vào đó, Bộ cũng khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh.

Tại Hà Nội, công tác làm ngân hàng đề kiểm tra học kỳ 1, trong đó có đề kiểm tra môn Ngữ văn hầu như đã được các nhà trường hoàn tất. Vận dụng theo tinh thần đổi mới của Bộ GD&ĐT và hướng dẫn của cấp trên, nhiều trường học đã thiết lập ngân hàng đề kiểm tra Ngữ văn với nhiều điểm đổi khác, đặc biệt là sự xuất hiện của các câu hỏi trắc nghiệm và ngữ liệu ngoài SGK.

“Đề kiểm tra cuối kỳ 1 của học sinh sẽ có 8 câu hỏi trắc nghiệm nằm trong phần đọc hiểu và ngữ liệu trong đề sẽ hoàn toàn nằm ngoài SGK”- một giáo viên dạy Ngữ văn thuộc trường liên cấp THCS và THPT tại quận Cầu Giấy cho hay.

Theo nhà giáo này, việc sử dụng các câu trắc nghiệm ở mức nhận biết, thông hiểu giúp học sinh dễ dàng ghi điểm. Tại phần vận dụng và vận dụng cao sẽ là các ngữ liệu không có trong SGK. Đây là thử thách không hề nhỏ với học sinh phổ thông vì không phải em nào cũng có khả năng cảm thụ một văn bản hoàn toàn mới. Tuy nhiên, vì đó là yêu cầu nên việc bắt đầu sớm sẽ tạo nhiều cơ hội để các em làm quen và có thời gian thích nghi với cách học, cách ra đề kiểu mới.

“Với đề Ngữ văn lớp 6 và 7, ngữ liệu trong đề kiểm tra hoàn toàn nằm ngoài SGK vì đây là hai khối lớp học theo chương trình Giáo dục phổ thông mới. Đề kiểm tra lớp 8, trường vẫn ra đề theo hình thức cũ, trong đó các văn bản trong đề đều nằm trong sách. Riêng lớp 9- đối tượng của kỳ thi vào lớp 10 trong năm học tới, trường sử dụng cấu trúc đề cũ nhưng có sử dụng một phần ngữ liệu mới để học sinh thích ứng dần với kiểu ra đề mới”- nhà giáo Đàm Thu Hương, Hiệu trưởng trường THCS Yên Hòa chia sẻ.

Vẫn lúng túng

Theo ghi nhận, cách ra đề kiểm tra môn Ngữ văn theo hướng đổi mới chưa được thực hiện đồng bộ tại các trường học mà vẫn kiểu “mỗi trường một phách”. Có trường trong đề thi gồm một phần trắc nghiệm, có trường lại ra đề theo hướng 100% tự luận; có trường sử dụng ngữ liệu mới, có trường vẫn dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa hay chỉ sử dụng một phần ngữ liệu mới.

“Nhiều giáo viên dạy Ngữ văn rất lúng túng với chương trình mới, nhất là lớp 10. Đề kiểm tra giữa kỳ 1 được trường thực hiện theo hướng mở, kết quả là rất nhiều học sinh đạt điểm thấp. Việc đổi mới giảng dạy theo hướng trang bị kỹ năng cho người học không khó nhưng để học sinh vận dụng kỹ năng đã học vào một văn bản hoàn toàn mới, thậm chí mới nghe, đọc lần đầu thì quả không dễ dàng”- thầy Nguyễn Xuân Hảo, một giáo viên dạy Ngữ văn tại Hà Nội cho hay.

Thầy cô giáo là nhân tố quyết định công cuộc đổi mới giáo dục
Thầy cô giáo là nhân tố quyết định công cuộc đổi mới giáo dục

Vẫn theo thầy Hảo, nếu một bài toán, việc áp dụng công thức khá đơn giản. Nhưng với một văn bản văn học, thông điệp, ý nghĩa mỗi tác phẩm là khác nhau; không phải cứ dạy kỹ năng là có thể vận dụng ngay được, nhất là khi học sinh cấp THPT đã phân ban rõ rệt. Nếu không hiểu văn bản, học sinh sẽ không biết viết gì, không thể cảm nhận được nội dung, ý nghĩa, cái hay, cái đẹp của tác phẩm; vì vậy, rất khó để phát huy sáng tạo cho học sinh. Hơn nữa, nếu trong đề Ngữ văn có câu trắc nghiệm, nhiều học sinh chỉ đọc lướt và tích vội câu trả lời khi chưa kịp đọc và hiểu tác phẩm/đoạn trích. Đây là một vấn đề rất khó giải quyết và ngoài nỗ lực của thầy cô thì còn cần nhiều hơn nữa cố gắng của học sinh.

Trong hội nghị gặp mặt nhà giáo Thủ đô, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa Nguyễn Thị Nhiếp từng bày tỏ: “Người thầy cần sáng tạo để tạo sáng cho trò. Đổi mới, sáng tạo chưa bao giờ dễ dàng nhưng chắc chắn là khởi đầu để cho kết quả dài lâu trong giáo dục và việc thầy cô ngại ngần đổi mới tức là đang góp phần làm suy yếu năng lực đi đến tương lai của học sinh...".

Ngành Giáo dục đã và đang thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Vì vậy, trước khi có hướng dẫn cụ thể, việc đổi mới dạy, học và kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn vẫn phụ thuộc chủ yếu vào ý thức, trách nhiệm, sự chủ động và tinh thần tự đổi mới của thầy cô giáo bởi chỉ khi thầy cô thực sự đổi mới thì mới khích lệ, kêu gọi, thu hút học sinh vào vòng quay của hành trình đổi mới.