Chưa xây dựng Dự thảo Luật đối với tài sản là nhà, đất

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông cáo mới nhất của Bộ Tài chính cho biết, Bộ này chưa xây dựng Dự thảo Luật để lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân trước khi trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Cụ thể, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản nêu trên, hiện nay, Bộ Tài chính đang đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức có liên quan tổng kết, đánh giá tác động về tình hình thực hiện Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) và Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (SDĐPNN). Hiện nay, Bộ Tài chính chưa xây dựng Dự thảo Luật để lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân trước khi trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trước đó, căn cứ Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV trong đó nêu nhiệm vụ “Tổ chức nghiên cứu, rà soát để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc nghiên cứu, xây dựng mới các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết”, ngày 16/12/2021, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2114/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Theo đó, giao Bộ Tài chính chủ trì, thực hiện nhiệm vụ như sau: Nghiên cứu, rà soát Luật Thuế SDĐPNN. Thời hạn báo cáo Chính phủ là chậm nhất trước ngày 30/9/2022 và báo cáo UBTVQH chậm nhất trước ngày 30/12/2022.

Trên cơ sở vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương và tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tài chính sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá quá trình triển khai thi hành Luật Thuế SDĐNN và Luật thuế SDĐPNN để đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách thuế liên quan đến bất động sản, báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng tiến độ quy định tại Quyết định số 2114/QĐ-TTg, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế liên quan đến tài sản và đặt trong tổng thể cải cách hệ thống chính sách thuế giai đoạn 2021-2030.

Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc đánh thuế tài sản là chưa phù hợp và ảnh hưởng trực tiếp đến người nghèo, nhất là trong bối cảnh giá cả tăng cao, nguy cơ lạm phát hiện nay.