Đề nghị lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ
ĐB Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng) cho rằng, nhiều năm nay, thu ngân sách của ta đều vượt chỉ tiêu, tuy nhiên năm 2012, thu ngân sách chỉ đạt xấp xỉ kế hoạch. Tình hình kinh tế năm 2013 tiếp tục khó khăn, mục tiêu đề ra tăng trưởng GDP chỉ tăng 0,3% so với năm 2012, trong khi thu ngân sách lại tăng 15%, cơ sở nào để tính, có điều gì chưa ổn, chưa sát với thực tế.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sơn (đoàn Hà Nội) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: Minh Điền
Đồng tình với quan điểm này, một số ĐB cũng cho rằng cần duy trì tăng trưởng nguồn thu một cách bền vững, theo đó, công tác dự báo phải sát với thực tế hơn. ĐB Nguyễn Công Bình (đoàn Yên Bái) đề nghị cần rà soát lại các nguồn thu, có kế hoạch kiểm tra chống chuyển giá, chống nợ đọng thuế, trong quản lý tài nguyên, bất động sản, phối hợp chặt chẽ các ngành chống buôn lậu...
Về thu phí bảo trì đường bộ, nhiều ý kiến đề nghị xem xét hoãn áp dụng từ ngày 1/1/2013 nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Việc thu thêm bất kỳ khoản thu nào cũng làm tăng thêm sự khó khăn cho người dân vốn đã chịu rất nhiều các khoản thu hiện nay. Theo ĐB Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh), về mặt pháp lý, khoản thu này là cần thiết nhằm mục đích bảo trì, bảo dưỡng đường bộ, nhưng liệu người dân có được sử dụng các dịch vụ tương xứng thêm hay không? ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. HCM), đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cần thống kê, rà soát phân loại đối tượng đưa ra con số chính xác xem có nên thu phí hay không và nếu khoản này hợp lý có bỏ được các khoản thu khác không hợp lý hay không?
Phân bổ ngân sách chưa hợp lý
Về vấn đề phân bổ ngân sách T.Ư năm 2013, nhiều ý kiến cho rằng, việc phân bổ chưa phù hợp, quan điểm và cách triển khai không đồng nhất. Theo ĐB Nguyễn Thành Tâm (đoàn Tây Ninh), trong chủ trương phân bổ ngân sách cho đầu tư phát triển, công trình trọng điểm thì phân bổ ngân sách T.Ư và địa phương bất cập, không hợp lý, nặng cơ chế "xin - cho". Hiện, có tới 76% ngân sách là phân bổ về cho địa phương, T.Ư chỉ còn 24% thì khó triển khai các công trình trọng điểm quốc gia.
ĐB Nguyễn Thế Tuy (đoàn Lạng Sơn) phản ánh, có tới 16 chương trình mục tiêu quốc gia bị trùng lắp về nội dung và nguồn lực đầu tư bị xé lẻ manh mún, gây lãng phí và thất thoát. Đề nghị Chính phủ cho rà soát lại, cắt giảm một số nội dung và kinh phí trùng chi để tập trung cho xây dựng nông thôn mới thì hiệu quả sẽ cao hơn và tập trung hơn.
ĐB Võ Thị Dung (đoàn TP. HCM) đề nghị Chính phủ kiểm tra lại vốn giải ngân và hiệu quả đầu tư trái phiếu Chính phủ tại các công trình xây dựng. Theo ĐB, để sử dụng đồng vốn hiệu quả nhất cần tập trung cho các công trình sắp hoàn thành, cho trường học, bệnh viện, các khu vực biên giới, hải đảo, hộ nghèo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Phải tiết kiệm chi Đất nước vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhưng dù trong hoàn cảnh khó khăn nào cũng phải bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, phải tính toán tiết kiệm chi tiêu, để nâng mức hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, đối tượng hưu trí. |