Sau hai ngày làm việc, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã hoàn thành thành chương trình làm việc tại Phiên họp 58. Đến nay tất cả nội dung để chuẩn bị cho kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV đã được hoàn tất, sẵn sàng cho ngày khai mạc (dự kiến 20/7).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận sôi nổi, tâm huyết, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực; Chính phủ tiếp thu, giải tình đầy đủ, thuyết phục các nội dung được nêu ra tại phiên họp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá các báo cáo, tờ trình của Chính phủ; báo cáo thẩm tra của cơ quan Quốc hội được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có chất lượng và có nhiều đổi mới. Nội dung bám sát, quán triệt đầy đủ chủ trương của Đảng; đồng thời có nhiều đề xuất về các nhiệm vụ, gỉai pháp, nhất là cách thức tổ chức thực hiện để đạt mục tiêu, chỉ tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra cho cả nhiệm kỳ.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn |
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đây là kết quả của sự vào cuộc sớm, chủ động, trách nhiệm của cơ quan Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sự phối hợp từ rất sớm, chặt chẽ giữa Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan. Cách làm việc này là kinh nghiệm, bài học tốt cần tiếp tục phát huy trong nhiệm kỳ khoá XV.
Lưu ý thời gian đến ngày khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XV đã cận kề, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến, hoàn thiện hồ sơ, tài liệu sớm gửi đại biểu Quốc hội theo quy định. Kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về từng nội dung cụ thể sớm được ban hành làm căn cứ để các cơ quan triển khai tổ chức thực hiện.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khoá XV có nhiều nội dung rất quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt cho thành công cả nhiệm kỳ. Với quyết tâm cao, tất cả các cơ quan, nhất là cơ quan của Quốc hội tiếp tục nỗ lực tích cực hơn nữa chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng các văn bản, báo cáo, tờ trình để Quốc hội xem xét, quyết định, nhất là những vấn đề lớn như bầu hoặc phê chuẩn nhân sự chủ chốt và nhân sự cấp cao Nhà nước cũng như nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ mới.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan của Quốc hội phối hợp với Bộ Y tế, cơ quan hữu quan, TP Hà Nội sẵn sàng các kịch bản, phương án ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XV.
Trước khi bế mạc Phiên họp thứ 58, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026; cho ý kiến về công tác nhân sự để trình Quốc hội và việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV.
|
Quang cảnh phiên họp thứ 58 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn |
Cuối tháng 6/2021, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội đã thông báo triệu tập kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Kỳ họp khai mạc vào ngày 20/7 và dự kiến bế mạc vào ngày 5/8. Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Theo dự kiến nội dung Kỳ họp, Quốc hội sẽ dành 5 ngày xem xét, quyết định về công tác tổ chức, nhân sự, gồm: Quyết định số Phó Chủ tịch Quốc hội, số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Chủ tịch Quốc hội; bầu các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước.
Quốc hội bầu Chủ tịch nước; bầu Thủ tướng Chính phủ; bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKNDTC.
Công tác nhân sự còn bao gồm việc quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ. Phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh (nếu có), Phê chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC.
Tại kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội cũng xem xét, thông qua các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề.
Quốc hội cũng sẽ xem xét tại Kỳ họp thứ Nhất các nội dung: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019. Xem xét, quyết định: kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021-2025; kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới; Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025…