Ảnh minh họa
Để tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng khu vực Tây Nguyên, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh Tây Nguyên phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý Nhà nước đối với rừng và đất lâm nghiệp; tập trung rà soát diện tích rừng hiện có để xác định rõ lâm phận ổn định của từng tỉnh và địa phương làm cơ sở xây dựng chính sách phù hợp trong bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo phát triển bền vững.
UBND các tỉnh Tây Nguyên phải phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát, thống kê diện tích rừng bị phá, lấn chiếm trái phép; cương quyết tổ chức cưỡng chế, giải tỏa, thu hồi để có kế hoạch phục hồi và trồng lại rừng; giải quyết tình trạng tranh chấp đất đai, điểm nóng khiếu kiện đông người.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh Tây Nguyên phải phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Công Thương, Tài chính tăng cường quản lý chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở chế biến gỗ; xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật, kiên quyết đình chỉ hoạt động cơ sở chế biến gỗ vi phạm các quy định của Nhà nước; thu hồi, không cấp mới giấy phép kinh doanh đối với cơ sở chế biến gỗ không đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp hoặc không phù hợp với quy hoạch các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt…
Hiện nay, Tây Nguyên vẫn là vùng trọng điểm về vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, bình quân hàng năm đã phát hiện được hàng chục nghìn vụ vi phạm; ở một số trọng điểm, tụ điểm phá rừng nghiêm trọng đã hình thành đường dây phá rừng có hệ thống; tình trạng suy giảm diện tích rừng còn diễn ra ở mức độ cao, chất lượng rừng cũng suy giảm...