Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuẩn bị tâm lý tăng trưởng có thể dưới 6%

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “6 tháng đầu năm 2016 kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tuy nhiên “mục tiêu...

Kinhtedothi - “6 tháng đầu năm 2016 kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tuy nhiên “mục tiêu tăng trưởng 6,7% là không thể đạt được, dự báo chỉ đạt ở mức 6% hoặc thấp hơn” - đây là khẳng định của ông Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính Sách (VEPR), ĐHQG Hà Nội tại buổi tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý II/2016 diễn ra chiều 14/7.

Tăng trưởng chững lại, công nghiệp suy giảm

Theo báo cáo của VEPR, GDP 6 tháng đầu năm ước tính tăng 5,52%, kết quả này tuy cao hơn tốc độ tăng chung của cùng kỳ các năm 2012 – 2014 (lần lượt là 4,93%; 4,9%; 5,22%) nhưng có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,28% trong 6 tháng đầu năm 2015. Trong nước, khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục suy giảm với mức tăng trưởng 7,09%, thấp hơn nhiều so với quý trước và cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, ngành công nghiệp chỉ tăng 6,82% do suy giảm trong ngành khai khoáng. Đây là nguyên nhân chính khiến cho tăng trưởng quý II đạt 5,52% gần như không đổi so với mức 5,48% của quý I.
Không tăng giá điện bán lẻ trong năm 2016. Ảnh: Ngọc Hà
Không tăng giá điện bán lẻ trong năm 2016. Ảnh: Ngọc Hà
Trưởng nhóm nghiên cứu VEPR cũng cho biết, kinh tế thế giới quý II nổi bật với sự kiện Brexit. Quyết định này dẫn tới biến động trên các thị trường khác nhau trong ngắn hạn, có thể tác động trực tiếp tới kinh tế Việt Nam. Trong đó, đáng kể nhất là việc giá năng lượng và các hàng hóa cơ bản đang phục hồi ổn định. Do đó, áp lực lạm phát trong nước thời gian tới sẽ không chỉ do các đợt điều chỉnh giá của Nhà nước mà còn bởi sự hồi phục của giá hàng hóa thế giới.

Nguy cơ lạm phát bùng nổ trở lại

Báo cáo của VEPR chỉ ra rằng, lạm phát quý II tiếp tục đà tăng của quý I. Thay đổi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với tháng trước đã lần lượt tăng 0,54% và 0,46% trong tháng 5 và tháng 6/2016, là mức tăng cao nhất trong gần 6 năm trở lại đây. Đóng góp lớn nhất vào mức tăng này là sự đảo chiều trong nhóm giao thông. Bên cạnh đó, giá dịch vụ bảo hiểm, y tế đã tăng 4,78% trong tháng 5/2016. Trước diễn biến này, Thủ tướng đã chỉ đạo không tăng giá bán lẻ điện trong năm 2016 và phí BOT, điều chỉnh giá dịch vụ y tế có lộ trình phù hợp và không điều chỉnh đồng loạt trên 63 tỉnh, thành để tránh bùng nổ lạm phát.

Mặc dù vậy, theo nhận định của VRPR, nguy cơ lạm phát tăng trở lại vẫn còn rất lớn. Giá dầu và hàng hóa cơ bản khác đã thoát khỏi đáy và đang trong xu hướng tăng trở lại. Đây có thể sẽ là nhân tố ảnh hưởng chính tới chỉ số giá tiêu dùng trong nửa cuối năm nay. Bên cạnh đó, giá điện có thể chưa tăng nhưng những dịch vụ khác như y tế và giáo dục nhiều khả năng sẽ tăng trong nửa cuối năm theo lộ trình đã đề ra. Điều này sẽ tạo áp lực không nhỏ lên lạm phát trong thời gian tới.

Không nôn nóng với tăng trưởng

“VEPR tiếp tục dự báo tăng trưởng kinh tế 2016 ở mức 6% hoặc thấp hơn. Do đó, chúng tôi cũng duy trì lưu ý về việc cần tránh tâm lý nôn nóng đạt mục tiêu tăng trưởng cao khi bắt đầu nhiệm kỳ Chính phủ mới, dẫn tới buông lỏng ổn định vĩ mô” – ông Nguyễn Đức Thành khuyến cáo.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, GDP năm nay chịu nhiều tác động từ hạn hán Đồng bằng Sông Cửu Long làm cho nông nghiệp kém đi, môi trường miền Trung bị ô nhiễm tuy chưa tính hết thiệt hại nhưng ảnh hưởng đến đánh bắt cá và du lịch… Trên thế giới, vụ Brexit cũng sẽ tác động không nhỏ tới các nền kinh tế trong đó có Việt Nam, các nền kinh tế khác trừ Mỹ đều hạ tăng trưởng so với đầu năm. IMF và WB cũng hạ 0,1 - 0,2% so với đầu năm. Theo khuyến nghị của các chuyên gia, cơ quan hoạch định chính sách cần nhìn trước những rủi ro bùng phát lạm phát để kiểm soát cung tiền ở mức phù hợp. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng 18 - 20% trong năm 2016 có thể tạo nguy cơ mất kiểm soát lạm phát như trong mấy năm gần đây.

Bên cạnh nỗ lực cải cách hành chính, Chính phủ cần quyết tâm tạo dựng môi trường cạnh tranh thực sự hữu hiệu, thu hẹp khu vực DN Nhà nước. Thoái vốn một cách quyết đoán khỏi các DN Nhà nước lớn, đặc biệt tại một số ngân hàng thương mại Nhà nước. Việc này giúp bổ sung nguồn ngân sách, đồng thời tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại này vẫn có đủ nguồn vốn để hoạt động…