Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuẩn bị thuốc dự phòng cho ngày Tết

Bác sĩ Nguyễn Nguyên Hoàng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết đến Xuân về, ai ai cũng náo nức đón chờ và chuẩn bị cho cái Tết thật ấm cúng và lành mạnh.

Không ít người có kế hoạch du Xuân, bởi vậy, việc chuẩn bị một số thuốc để dự phòng trong dịp này là rất cần thiết.
Với những người mắc bệnh mạn tính đã được xác định cần chuẩn bị đủ các loại thuốc cần thiết, nếu để thiếu thuốc, bệnh sẽ tăng lên, đôi khi còn gây nguy hiểm.
Thuốc dùng cho bệnh mạn tính là thuốc mà bác sĩ đã kê đơn và đã được dùng hàng ngày, chẳng hạn bệnh tăng huyết áp, thiểu năng mạch vành, hen suyễn, bệnh đái tháo đường, viêm đại tràng mạn tính, xương khớp, gút... Trong những ngày Tết, với các bệnh mạn tính có liên quan đến chế độ ăn uống càng cần có thuốc để uống một cách đều đặn, tuyệt đối không được bỏ hoặc dùng không thường xuyên do thiếu thuốc.
 Ảnh minh họa
Bên cạnh những người bệnh mạn tính cần dùng thường xuyên, thì mọi người cũng nên chuẩn bị những loại thuốc thông thường sau đây:
Thuốc hạ sốt: Đây là loại thuốc không thể thiếu nếu gia đình có trẻ nhỏ. Thuốc hạ sốt được các chuyên gia y tế khuyến cáo khá an toàn là loại paracetamol. Loại thuốc này có thể là viên nén, bột hoặc viên đạn. Thuốc hạ nhiệt chỉ được sử dụng khi trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên, mỗi lần uống thuốc cách nhau từ 4 - 6 giờ. Nếu uống thuốc hạ nhiệt vẫn không đỡ và thấy trẻ sốt cao (trên 39 độ C) có thể bị co giật, nhất là trẻ dưới 5 tuổi, cần cho trẻ đi bệnh viện ngay. Bên cạnh đó nên chuẩn bị một số thuốc nhỏ mũi, thông dụng nhất là nước muối sinh lý 0,9%. Dung dịch nước muối sinh lý vừa nhỏ mũi, vừa dùng để nhỏ mắt.
Thuốc tiêu hóa: Trong những ngày Tết, thói quen ăn nhiều đạm và béo, ít vitamin và xơ, đồ ngọt như bánh, kẹo, mứt, nước giải khát có ga… sẽ càng làm cho bệnh rối loạn chuyển hóa tăng thêm nguy cơ. Bên cạnh các loại men tiêu hóa như men tiêu hóa Lactobacillus, Streptococcus…, cần thêm các thuốc cầm tiêu chảy như Smecta hay thuốc làm đặc phân dành cho trẻ Hidrasec. Ngoài ra, cần dự phòng oresol để đề phòng trong nhà có người bị tiêu chảy, nôn ói, sốt cao nhằm bù dịch. Lưu ý, khi pha oresol phải theo đúng tỷ lệ hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc, tránh tình trạng pha đặc hay loãng đều làm mất tác dụng của thuốc. Khi trẻ bị tiêu chảy, sau vài ngày vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc bệnh trở nặng hơn, nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Thuốc chống say tàu, xe: Để đối phó với các triệu chứng của say tàu xe như cảm giác mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, tụt huyết áp…, nhiều người chọn giải pháp uống thuốc. Vì vậy, mọi người có thể chuẩn bị thêm thuốc chống say tàu xe như: Diphenylhydramin, cinnarinzine, promethazine. Nên dùng trước khi lên xe ít nhất 30 phút. Các thuốc trên đều không nên sử dụng cho trẻ dưới 2 tuổi. Lưu ý, để hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc chống say tàu xe, tuyệt đối không sử dụng bia, rượu khi đang uống thuốc. Thận trọng khi sử dụng thuốc đối với những người rối loạn chức năng gan, thận, rối loạn chuyển hóa, người bị bệnh hen suyễn, rối loạn đường hô hấp dưới, người bị bệnh tim mạch, cường giáp… Đối với miếng dán chống say tàu xe, không dùng cho phụ nữ có thai và trẻ dưới 8 tuổi.
Ngoài ra, khi đi chơi xa, chẳng may gặp xây sát nhỏ hay bị ngã thì không thể thiếu bông băng để băng bó vết thương, thuốc sát trùng để làm sạch vùng da xây xước. Không phải hiệu thuốc nào cũng mở vào ngày Tết nên mọi người nên chuẩn bị trước để đề phòng cho chính mình và người thân. Một số thuốc dùng ngoài da như: Povidine (sát trùng ngoài da), nước ôxy già, bông băng. Nếu không có sẵn thuốc sát khuẩn, có thể dùng nước muối (một muỗng canh muối gạt bằng pha trong 1 lít nước) để rửa sạch vết thương.
Thuốc dị ứng, chống ngứa, mề đay:
Nhiều người chỉ vì thay đổi thời tiết, hay ăn phải món ăn không hợp cũng có thể bị dị ứng, nổi mẩn và ngứa ngáy vô cùng khó chịu. Vì vậy, hãy mua sẵn một số loại thuốc chống dị ứng cơ bản để phòng bị cho bản thân như Chlopheniramin, Polaramin.