Theo đó, đến nay, 139 xã đã hoàn tất công tác chuẩn bị về điều kiện về hạ tầng mạng WAN, Trung tâm dữ liệu, hệ thống tổng đài nhắn tin, máy tính hoạt động ổn định phục vụ tốt cho việc cài đặt và sử dụng các DVCTT mức độ 3 theo từng giai đoạn triển khai. Các xã đã đưa vào vận hành chạy thử hệ thống DVCTT mức độ 3 lĩnh vực tư pháp từ ngày 1/11 với hạ tầng cơ sở cơ bản đáp ứng yêu cầu. Sở TT&TT đã phối hợp với Sở Tư pháp, Công ty Nhật Cường tổ chức các lớp đào tạo cho các huyện.
Theo các huyện, trong quá trình triển khai thực hiện vận hành thử hệ thống DVCTT mức độ 3 lĩnh vực tư pháp cũng nảy sinh một số khó khăn. Cụ thể, tại một số xã còn thiếu máy tính hoặc máy tính không đảm bảo cấu hình để cài đặt ứng dụng ảo hóa. Thiếu máy tính, máy quét để hỗ trợ cho người dân khi đến làm thủ tục. Mặc dù đã được tổ chức hướng dẫn, tập huấn, tuy nhiên một số cán bộ còn chưa quen các thao tác xử lý trên phần mềm, cán bộ tại một số đơn vị tham gia đào tạo chưa đầy đủ. Việc thực hiện tích hợp, trao đổi thông tin khai sinh giữa hệ thống DVCTT của TP và phần mềm đăng ký khai sinh của Bộ Tư pháp chưa thống nhất khi sử dụng…
Giám đốc Sở TT&TT Phan Lan Tú cho biết: Sở TT&TT sẽ làm việc với ngành Tư pháp, Công an TP cũng như những đơn vị liên quan để tạo điều kiện tốt nhất cho các xã vận hành tốt hệ thống DVCTT mức độ 3 lĩnh vực tư pháp sau thời gian chạy thử. Ngoài ra, Sở cũng sẽ đề xuất TP phấn đấu trang bị đầy đủ trang thiết bị máy móc, máy in, máy scan… vào cuối năm 2016. Về công tác đào tạo, Sở thống nhất với các đơn vị mở lại lớp đào tạo cho các cán bộ đầu mối và cán bộ trực tiếp làm công tác trên cũng như hoàn thành việc cấp tài khoản cho các cán bộ thực hiện nhiệm vụ…
Để triển khai tốt DVCTT mức độ 3, Sở TT&TT cũng đề nghị các đơn vị tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền đến người dân; thành lập các tổ kỹ thuật trực tiếp kết nối với tổ kỹ thuật TP…
Dự kiến, 139 xã thuộc 6 huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Hoài Đức, Thanh Trì, Ba Vì, Gia Lâm sẽ chính thức vận hành triển khai hệ thống DVCTT mức độ 3 lĩnh vực tư pháp vào ngày 10/11 tới.