Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuẩn bị xây một số cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống: Bất động sản khu Đông sắp dậy sóng?

Gia Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 35.000 tỷ đồng để hoàn thành cầu Tứ Liên, cầu Đuống, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Giang Biên là con số vừa được công bố để tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội các vùng ven đô.

Theo giới chuyên gia, sau một quá trình tập trung cho khu vực phía Tây, dường như Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực phát triển khu Đông. Trục Đông - Tây vì thế được kỳ vọng đạt ngưỡng cân bằng, ít nhất về giá trị bất động sản (BĐS). Tuy nhiên, “cơn sóng” này khác với trước, thay vì đổ vào đất nền, thổ cư, dòng tiền đang được nghiên cứu đầu tư thận trọng hơn.
Giá đất đang “nhảy múa”
Những ngày qua, thông tin Hà Nội chính thức thông qua việc xây dựng 4 cây cầu bắc qua sông Hồng và sông Đuống trở thành một “cú hích” mới cho thị trường BĐS. Giới đầu tư tin tưởng 4 cây cầu khi đi vào hoạt động sẽ làm thay đổi diện mạo thị trường nhà đất khu Đông.
Trở lại Long Biên cuối tuần qua, theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, không khí chào mua, giao dịch trở nên khá sôi động so với cách đây vài tuần. Ba cây cầu (cầu Đuống, cầu Giang Biên và cầu Trần Hưng Đạo) đều nằm trên địa bàn 2 quận, huyện Long Biên và Gia Lâm.

Hạ tầng cơ sở phát triển của quận Long Biên thu hút nhà đầu tư bất động sản. Ảnh: Phạm Hùng

 Ông Hoàng Bá Bẩy - Giám đốc Văn phòng nhà đất Hiệu quả (166 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên) nhận định, khu vực Long Biên có khả năng “sốt nóng” sau thông tin xây dựng 4 cây cầu được môi giới rỉ tai nhà đầu tư. Vào thời điểm 2 năm trước, việc bán - mua ở khu vực khá lặng sóng. Nhưng chỉ sau một thời gian, giá đất ở đây có chiều hướng tăng cho dù lợi thế không bằng các khu vực ở phía Tây và phía Bắc Hà Nội. Tại địa điểm dự kiến xây dựng cầu Trần Hưng Đạo, giá đất thổ cư rục rịch tăng. Khu vực Chương Dương Độ trước dao động từ 60 - 70 triệu đồng/m2, nay giá chào bán đã tăng lên 70 - 80 triệu đồng/m2. Riêng khu vực phố Thạch Cầu – Long Biên, nhà đất ngay tại mặt đường, vỉa hè rộng có giá hơn 80 triệu đồng/m2, khu vực mặt ngõ ngang nếu trục đường rộng ô tô vào được có giá từ 35 - 40 triệu đồng/m2.
Chẳng riêng gì đất Long Biên “nổi sóng”, mà đất xã Xuân Trạch (Đông Anh) khi có thông tin cầu Tứ Liên đi qua cũng được nhiều “cò” môi giới chào mời. Tuy nhiên, thực tế giao dịch mua bán không thật sự sôi động như lời mời chào của các “cò”. Khảo sát quỹ đất quanh xã không còn nhiều do đã được nhà đầu tư gom từ trước. Những mảnh đất đang được rao bán chỉ ở dạng mua đi bán lại ăn tiền chênh.
Khó có đột biến
Nhận định về giá trị BĐS khi 4 cây cầu này được xây dựng, tại cuộc họp báo quý III/2017, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: “4 cây cầu sẽ tạo ra 4 vùng phát triển mới với giá đất tăng theo cấp số nhân. Đơn cử, ở Đà Nẵng trước đây, có chỗ đất bán không ai mua nhưng khi cầu xong, đất được nâng giá lên. Tất nhiên, phải tính toán hài hòa lợi ích cho nhà đầu tư, người dân và Nhà nước. Câu chuyện nằm ở chỗ kiểm soát chặt chẽ các khâu và thời điểm định giá đất".
Bình luận thêm về tác động của 4 cây cầu đến BĐS khu Đông, bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, Tư vấn, Định giá và Quản lý tài sản CBRE Việt Nam dự báo, khu vực Long Biên hoàn toàn có khả năng trở thành trung tâm BĐS mới. Đặc biệt, khi so sánh với quận 2 tại TP Hồ Chí Minh, Long Biên có vị trí tương đồng. Hiện tại, quận 2 là một trong những địa điểm có thị trường BĐS sôi động bậc nhất TP Hồ Chí Minh. Long Biên có nhiều cơ sở để hy vọng sẽ có một thị trường như vậy. Hạ tầng khu vực Long Biên đã rất tốt, nếu kết nối đến trung tâm TP không bị cản trở giao thông thì giá trị BĐS quận Long Biên có thể còn tiếp tục tăng lên.
Tuy nhiên, bài học nhãn tiền gom đất ở Ba Vì, Đông Anh đang làm dấy lên lo ngại nổ ra những cơn “sốt nóng” nhất thời. Dù vậy, giới chuyên môn nhận định, khó có thể nóng lên như dự đoán của nhiều người. Bởi, trước hậu quả vỡ trận do gom đất chạy quy hoạch, giới đầu tư đã thận trọng hơn rất nhiều. “Cơn sóng” này vì thế khác trước, thay vì đổ vào đất nền, thổ cư, dòng tiền đang được nghiên cứu đầu tư kỹ lưỡng hơn.
Theo phân tích của ông Nguyễn Thành Tiến - chuyên gia đào tạo BĐS tại Nghikhac.com, thì phía Đông tuy gần với một số quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, nhưng lại không tiện di chuyển cho những người đang làm việc và sinh hoạt tại nhiều quận khác như Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm... Trong khi các quận này có dân cư khá đông đúc.
Với bối cảnh trên, thông tin xây dựng 4 cây cầu có thể tạo nên những hiệu ứng khả quan cho thị trường BĐS khu Đông sau thời gian dài "ngủ đông" khi thu hút nhiều người khá giả có nhu cầu mua để ở. Tuy nhiên, sẽ "kén" nhà đầu tư và do đó khó có thể tạo “sóng” trong thời gian tới.
Tại quận Long Biên, các khu đất nằm bên này sông Đuống, giáp Bắc Ninh hiện vị trí đẹp có giá từ 25 - 35 triệu đồng/m2. Còn đất trong ngõ, lối đi nhỏ hẹp có giá từ 17 - 25 triệu đồng/m2. Trong khi đó, các khu đất có diện tích lớn, đường rộng ở Thanh Am, Đức Giang (Long Biên) hiện còn rất ít, thậm chí không có để bán. Còn những diện tích đất nhỏ dưới 40m2 có giá khá đắt, trên 30 triệu đồng/m2.