KTĐT - Các tiêu chí đánh giá sẽ được thực hiện theo 3 bước. Đầu tiên hiệu trưởng sẽ tự đánh giá, xếp loại và ghi điểm đạt được ở các tiêu chí. Tiếp sau đó, là cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường tham gia góp ý và đánh giá hiệu trưởng. Khâu cuối, thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý hiệu trưởng đánh giá xếp loại hiệu trưởng.
Chuẩn hiệu trưởng trung học ở các trường THCS, THPT trong cả nước sẽ chính thức triển khai từ tháng 1/2011. Các tiêu chí đánh giá chuẩn hiệu trưởng hiện nay khá mơ hồ như “đánh đố” người đứng đầu trường học.
Chuẩn để đánh giá hiệu trưởng phổ thông dựa trên 23 tiêu chí. Trong đó phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp 5 tiêu chí; Năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm 5 tiêu chí và 13 tiêu chí ở năng lực quản lý nhà trường. Các tiêu chí được chấm theo thang điểm 10, phân thành bốn mức: xuất sắc, khá, trung bình và yếu kém.
Các tiêu chí đánh giá sẽ được thực hiện theo 3 bước. Đầu tiên hiệu trưởng sẽ tự đánh giá, xếp loại và ghi điểm đạt được ở các tiêu chí. Tiếp sau đó, là cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường tham gia góp ý và đánh giá hiệu trưởng. Khâu cuối, thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý hiệu trưởng đánh giá xếp loại hiệu trưởng.
Để đảm bảo tính khách quan, công bằng trong đánh giá, xếp loại hiệu trưởng, quá trình đánh giá, xếp loại phải dựa vào các minh chứng phân định các mức của từng tiêu chí.
Các tiêu chí được chia ra cụ thể nhưng các mức đánh giá để phân mức, xếp loại tiêu chí lại hết sức chung chung, mập mờ. Cơ sở xếp loại giữa các mức “tương tương” nhau, không rạch ròi nếu không muốn nói là ranh giới phân loại gần như không có.
Điển hình như tiêu chí đạo đức nghề nghiệp, sự phân biệt giữ mức khá và mức xuất sắc tập trung ở hai cụm từ khác nhau là “phát huy được uy tín nhà giáo” và “nâng cao được uy tín nhà giáo”. Riêng về mặt ngôn ngữ, hai từ “phát huy” và “nâng cao” để phân biệt rạch ròi đã không đơn giản, đây lại là vấn đề về công việc, về cả một quá trình. Mà kết quả công việc cũng không cho ra sản phẩm cụ thể để có thể cân đo đong đếm.
Hay tiêu chí quản lý hành chính, mức khá được đánh giá trên cơ sở “có quyết định hành chính kịp thời, đáp ứng được nhiệm vụ”. Trong khi đó, mức xuất sắc “có quyết định hành chính đúng đắn, kịp thời, đúng đắn, đáp ứng được nhiệm vụ”. Giáo viên chẳng biết có thể phân biệt thế nào để xếp loại?
Thêm chuẩn thêm rắc rối?
Trong khi hiệu trưởng nhà trường chủ yếu “đi lên” từ giáo viên, không được đào tạo về quản lý thì việc đưa ra chuẩn là hết sức cần thiết để hiệu trưởng chỉnh sửa cũng như bổ sung cho năng lực quản lý của mình. Thế nhưng với các chuẩn còn “mập mờ” và hình thức đánh giá khá rắc rối, nhiều người lo ngại sẽ phát sinh nhiều vấn đề.
Giáo viên đã phải tập trung đủ thứ việc (chuyên môn lẫn ngoài chuyên môn), giờ sẽ lãnh thêm nhiệm vụ đánh giá hiệu trưởng. Đánh giá dựa trên 23 tiêu chí trên, nghĩa là họ phải dồn thêm công sức, thời gian để nắm rõ về các tiêu chí và trở thành “thám tử tư” bất đắc sĩ phải quan tâm sát sao, bám sát hơn nữa lối sống, cách quản lý để có minh chứng đánh giá.
Chiếu theo chuẩn thì giáo viên, nhân viên trong trường giữ phần quyền đánh giá quan trọng người đứng đầu nhà trường, tuy nhiên quên mất rằng, mấy giáo viên dám “chê” hiệu trưởng vì tâm lý sợ bì “đì”.
Cô L.T.Vân, giáo viên ở Đồng Nai, chia sẻ: “Nếu vậy, chuẩn cần phải thêm quy định Giáo viên đánh giá trung thực sẽ được đảm bảo không bị gây khó dễ” và giám sát chặt vấn đề này. Tôi e rồi ai cũng sẽ đánh giá cho có, cho qua thì quy định đưa ra sẽ chỉ mang tính hình thức, thành tích. Hoặc có thể sẽ nảy sinh những đánh giá chủ quan, cá nhân rất dễ ảnh hưởng đến quan hệ đồng nghiệp".
Hơn nữa, theo cô Vân, những nhân viên ở các bộ phận ngoài chuyên môn như bảo vệ, nhân viên vệ sinh… không nắm về chuyên môn thì dựa vào đâu để đánh giá chuyên môn của hiệu trưởng?
Quy định chuẩn hiệu trưởng được đưa vào các trường học, chính “người trong cuộc” cũng có rất nhiều tâm tư. Các tiêu chí nhiều khi là áp lực đổ lên đầu các hiệu trưởng mà có những nhiệm vụ vượt quá khả năng của họ.
Như tiêu chí phát triển môi trường giáo dục, hiệu trưởng phải “cam kết- thực hiện nhà trường không có bạo lực”. Đây thật sự là tiêu chí… thách đố vì vấn đề bạo lực học đường có tránh nhiệm của rất nhiều bên (nhà trường, gia đình, xã hội) mà các nhà quản lý đang rất đau đầu chưa tìm được cách giải quyết. Nếu vậy thì lâu nay đâu phải bàn luận, đưa ra nhiều phương án như vậy mà cứ giao hết cho hiệu trưởng.
Hiệu trưởng một trường THPT ở quận 10, TPHCM (đề nghị giấu tên) cho hay, cứ mỗi lần thực hiện thêm “chuẩn”, thêm các danh hiệu họ lại phải chạy đua với công việc hành chính, thủ tục còn đâu thời gian tập trung cho chuyên môn.
“Hiệu trưởng hiện nay cần là được đào tạo năng lực, quản lý, bồi dưỡng đạo đức. Còn đưa chuẩn ra để áp dụng khi chưa được đào tạo chỉ giải quyết được trước mắt, không có chiều sâu về lâu dài”, nữ hiệu trưởng này bộc bạch.