Nhiều vướng mắc nảy sinh
Sau 10 năm thực hiện, Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành được nhận định đã góp phần chuẩn hóa chất lượng của hoạt động này. Tính đến nay, các cơ quan quản lý Nhà nước đã thực hiện việc cấp giấy phép hoạt động cho 49.984 cơ sở y tế và chứng chỉ hành nghề cho 363.407 trường hợp. Luật cũng góp phần tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế của người dân khi cả nước hiện có gần 50.000 cơ sở khám, chữa bệnh. Trong đó có 248 bệnh viện tư nhân và 21.048 phòng khám tư nhân; hơn 80.000 bác sĩ đang làm việc đạt tỷ lệ 8,2 bác sĩ/10.000 dân, cao hơn một số nước trong khu vực; số giường bệnh/vạn dân đạt mức 26,5; 100% số xã có trạm y tế, 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Luật cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, tạo hành lang pháp lý để y học nước ta tiếp cận với các kỹ thuật mới, phương pháp mới tiên tiến, hiện đại hàng đầu thế giới; làm tăng tuổi thọ trung bình của người dân, đồng thời, thu hút khoảng 300.000 lượt người nước ngoài đến khám, chữa bệnh tại nước ta.
Tuy nhiên, hiện, luật cũng bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể, hiện luật chỉ cấp chứng chỉ hành nghề cho 6 loại đối tượng, chưa bao phủ hết thực tế. Hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, theo luật có 4 tuyến gắn với tuyến hành chính. Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm y tế lại quy định phân tuyến dựa vào phân hạng bệnh viện, vì vậy, trong quá trình hướng dẫn, tổ chức thực hiện đã phát sinh nhiều mâu thuẫn và bất cập. Một số nội dung liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh như bệnh án điện tử, khám, chữa bệnh từ xa, đăng ký hành nghề... chưa được quy định cụ thể trong luật nên chưa có cơ chế pháp lý để tổ chức triển khai thực hiện…
Chính vì vậy, việc sửa đổi toàn diện Luật Khám, chữa bệnh hiện hành sẽ tập trung xử lý những bất cập trong thực tiễn, đồng thời, thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.
Lấy người bệnh là trung tâm
Thẩm tra về Dự luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), một số ý kiến đồng tình quan điểm tiếp cận theo hướng giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân. Đồng thời, Dự Luật cũng nhất quán quan điểm tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế với sự tham gia tích cực của các hội nghề nghiệp, người hành nghề và người bệnh; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân; tập trung đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh…
Theo thống kê, Dự Luật hiện tại có 13 chính sách, gồm: Quy định chức danh chuyên môn phải có chứng chỉ hành nghề; quy định về thời hạn của chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh; quy định về an ninh bệnh viện, bảo vệ quyền, lợi ích và an toàn của người hành nghề y; quy định về liên doanh, liên kết cung cấp, thành lập cơ sở khám, chữa bệnh; quy định về giá dịch vụ khám, chữa bệnh…