VN-Index tăng phiên thứ 3 liên tiếp, thanh khoản vẫn thấp
Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/10, chỉ số VN-Index tiếp tục hồi phục với thanh khoản có phần cải thiện so với hôm qua những vẫn nằm trong mức thấp, đạt 15.000 tỷ đồng. VN-Index đóng cửa ở mốc 1143,69, tăng 6,33 điểm so với phiên trước đó.
VN30 hôm nay có phần tích cực hơn khi tăng 9,91 điểm (tăng 0,86%). Toàn nhóm hôm nay có đến 21/30 mã tăng điểm. Nổi bật, VIB tăng 2,37% và POW tăng 2,23% và cũng là cổ phiếu có mức tăng tốt nhất trong nhóm. Ở chiều ngược lại, GVR và SSI là 2 cổ phiếu có mức giảm đáng kể nhất trong ngày hôm nay với mức giảm lần lượt là -1,72% và -1,51%.
Những nhóm tăng tốt trong ngày hôm qua lại bất ngờ bị chỉnh mạnh. Nổi bật nhất trong đó là nhóm phân bón, hóa chất. Hàng loạt cổ phiếu trong nhóm đều có mức giảm khá đáng kể, đáng chú ý có thể kể đến như LAS (-2,16%), DPM (-2,03%) hay DCM (-1,89%).
Tương tự như nhóm phân bón là nhóm dầu khí. Rất nhiều cổ phiếu lớn trong nhóm cũng đều quay đầu giảm điểm khi gặp áp lực bán lớn ở cuối phiên như PVC (-1,15%), PVD (-1,13%) hay PVS (-1,05%).
Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh trong phiên hôm nay với giá trị vào khoảng hơn 280 tỷ đồng. Trong đó tập trung chủ yếu vào hai cổ phiếu VPB (-82,80 tỷ) và VHM (-66,87 tỷ).
Khối tự doanh cũng quay trở lại bán ròng trong ngày hôm nay với giá trị lên đến hơn 200 tỷ đồng. Trong đó, FPT là cổ phiếu bị bán ra mạnh nhất toàn thị trường với 66,98 tỷ. Theo sau còn có những cái tên khác như VPB (-37,76 tỷ) hay MWG (-30,03 tỷ).
Kết phiên toàn thị trường có 476 mã tăng, 236 mã giảm, 38 mã tăng trần. Trong đó, cổ phiếu của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) đã tạo ra đà tăng ấn tượng khi trong phiên ATO, TAR ở mức giá sàn. Tuy nhiên tới phiên chiều, dòng tiền lớn bắt giá sàn đã khiến cổ phiếu này bất ngờ tăng mạnh và đóng cửa trong tình trạng "trần cứng".
Cổ phiếu TAR bất ngờ "quay xe", nhà đầu tư lãi đến 20% trong 1 phiên
Từ mức giảm sàn trong phiên sáng về 11.400 đồng/cp, cổ phiếu TAR của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An bất ngờ được kéo trần lên mức 13.800/cp đồng tại thời điểm cuối phiên chiều. Pha "quay xe" khiến những nhà đầu tư mua tại giá sàn lãi ngay 20% chỉ trong 1 phiên. Trước đó, cổ phiếu này ghi nhận đã bốc hơi gần 45% chỉ trong 2 tháng.
Về kinh doanh, trong quý 2/2023, TAR báo lỗ sau thuế gần 8 tỷ đồng, quý lỗ đầu tiên từ khi niêm yết hồi đầu năm 2019. Sau nửa đầu năm, TAR ghi nhận doanh thu thuần 2.513 tỷ đồng - tăng 46% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 0,6 tỷ đồng so với mức 51 tỷ của cùng kỳ năm trước. Con số này chỉ tương đương 1% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Kết quả kinh doanh kém tích cực cũng là một trong những nguyên nhân khiến công ty chậm nộp các báo cáo tài chính và bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa vào diện cảnh báo hôm 25/9.
Mới nhất, HNX vừa thông báo về việc chuyển 78,3 triệu cổ phiếu TAR từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ ngày 12/10 do chậm nộp báo cáo tài chính riêng và hợp nhất soát xét bán niên 2023 quá hạn 30 ngày so với quy định.
Ngày 18/9, với lý do chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2023 (quá hạn 5 ngày làm việc), HNX cũng đưa cổ phiếu TAR vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ, áp dụng từ 18/9. Nếu doanh nghiệp buôn gạo tiếp tục chậm công bố thêm 15 ngày nữa (3 tuần làn việc), cổ phiếu TAR có nguy cơ bị chuyển sang diện hạn chế giao dịch theo quy định.