KTĐT - Chứng khoán châu Á giảm khi đồng USD trượt xuống gần mức thấp kỷ lục, đẩy các đồng tiền châu Á lên gần các mức cao nhất từ trước đến nay so với đồng bạc xanh, trong bối cảnh các nỗi lo về tình hình việc làm và hệ thống ngân hàng tại Mỹ lại dấy lên.
Sau phiên tăng điểm ấn tượng trước đó, chứng khoán châu Á trong phiên cuối tuần ngày 15/10 đã quay đầu đi xuống.
Chứng khoán châu Á giảm khi đồng USD trượt xuống gần mức thấp kỷ lục, đẩy các đồng tiền châu Á lên gần các mức cao nhất từ trước đến nay so với đồng bạc xanh, trong bối cảnh các nỗi lo về tình hình việc làm và hệ thống ngân hàng tại Mỹ lại dấy lên.
Trước đó, trong phiên 14/10, các thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu cũng bao phủ trong sắc đỏ, cho dù các mức giảm là tương đối khiêm tốn và được các nhà phân tích cho là không đáng ngại, nhất là sau khi đã có nhiều phiên tăng điểm liên tục trước đó.
Chuyên gia kinh tế Mark Smith tại ngân hàng ANZ ở Wellington (New Zealand), cho rằng phiên giảm điểm cuối tuần trên các thị trường châu Á là do tâm lý lo ngại bắt đầu nổi lên khi các nhà đầu tư bắt đầu nghi ngờ về tính hiệu quả của các biện pháp kích thích kinh tế mà Chính phủ Mỹ có thể sẽ thực hiện tới đây.
Ông nói: "Các nhà đầu tư bắt đầu nhận ra rằng chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ có thể sẽ không phải là viên đạn thần mà họ kỳ vọng để đẩy thị truờng chứng khoán đi lên."
Một số chuyên gia khác còn cho rằng sau vài phiên tăng mạnh trước đó, được tiếp sức từ kỳ vọng về một chính sách nới lỏng tiền tệ mới của Mỹ, thì đây là phiên mà các nhà đầu tư "nghỉ xả hơi" để hưởng thành quả.
Các thị trường đang nóng lòng chờ đợi bài diễn văn quan trọng của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke đọc tại Boston vào cuối ngày 15/10.
Đóng cửa ngày 15/10, hầu hết các thị trường chủ chốt của châu Á đều giảm điểm, trong đó Nikkei-225 của Nhật Bản giảm 0,87% (trong bối cảnh đồng yen vẫn tiếp tục leo thang so với đồng USD, đe dọa các doanh nghiệp xuất khẩu của nước này), Hongkong giảm 0,40%, Đài Loan mất 0,12% và Philippines trượt 0,40%.
Riêng Trung Quốc và Hàn Quốc đi ngược lại xu hướng khi Shanghai Composite tăng mạnh 3,18% và KOSPI tăng 0,13%.