Theo lãnh đạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và các thành viên tham gia thị trường, thị trường sẽ phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát.
Phiên 6/2, thị trường tiếp tục đi theo chiều hướng tích cực, đà tăng lan rộng đến nhiều nhóm cổ phiếu lớn khác. Trong đó, VRE bất ngờ được kéo lên mức giá trần và khớp lệnh 3,6 triệu cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí vẫn bứt phá mạnh. PVD và STB đều được kéo lên mức giá trần. VPB lên cao nhất phiên với mức tăng 5,6% lên 25.500 đồng/cp. ACB cũng tăng 4,3% lên cao nhất phiên với 24.000 đồng/cp, CTG tăng 4,5% lên 27.750 đồng/cp, GAS tăng 5,3% lên 85.900 đồng/cp.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 12,63 điểm (1,36%) lên 938,54 điểm. Toàn sàn có 264 mã tăng, 83 mã giảm và 52 mã đứng giá. HNX-Index tăng 2,65 điểm (2,57%) lên 105,84 điểm. Toàn sàn có 77 mã tăng, 45 mã giảm và 60 mã đứng giá. Thanh khoản thị trường vẫn ở mức trung bình với tổng khối lượng giao dịch đạt 258,5 triệu cổ phiếu, trị giá 4.600 tỷ đồng. Trước đó, mở cửa phiên sáng, những diễn biến tích cực từ tình hình thế giới khiến tâm lý nhà đầu tư trong nước trở nên bớt bi quan hơn. Các cổ phiếu như VCS, PVD, SHB, CTG, GAS... đồng loạt tăng giá và kéo các chỉ số chính lên trên mốc tham chiếu. Trong đó, VCS tăng 2,8%, SHB tăng 4,1%, CTD tăng 2,8%, GAS tăng 1,3%.
Trên thế giới, các chỉ số tại các thị trường lớn đều tăng điểm. Dow Jones tăng 483,22 điểm, tương đương 1,68%, lên 29.290,85 điểm. S&P 500 tăng 37,1 điểm, tương đương 1,13%, lên 3.334,69 điểm. Nasdaq tăng 40,71 điểm, tương đương 0,43%, lên 9.508,68 điểm. S&P 500 và Nasdaq đều lập đỉnh lịch sử. Tại các thị trường châu Á - Thái Bình Dương, các chỉ số lớn trong khu vực đều tăng điểm. Tăng mạnh nhất khu vực là thị trường chứng khoán Trung Quốc, với Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt tăng 1,2% và 2,5%. Hang Seng của Hongkong tăng 0,4%. Nikkei 225 của Nhật Bản và Kospi của Hàn Quốc lần lượt tăng 1% và 0,3%. ASX 200 của Australia và NZX 50 của New Zealand tăng 0,4 - 0,8%. Tại Đông Nam Á, Straits Times của Singapore tăng 1,4% và các chỉ số của Thái Lan, Indonesia, Malaysia tăng 0,06% - 0,7%.
Về phía cơ quan quản lý, đại diện Bộ Tài chính và UBCKNN thừa nhận, tâm lý lo ngại về khả năng bùng phát của bệnh dịch do virus Corona (nCOV) gây ra đã khiến TTCK Việt Nam liên tục chao đảo trong ít ngày gần đây. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai phân tích, trong 2 phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Canh Tý, vào ngày 30 và 31/1, chỉ số VN- Index đã giảm gần 45 điểm, giảm khá sâu do ảnh hưởng cộng dồn sau khi nghỉ Tết và tâm lý dịch bệnh. Tuy nhiên, mức giảm của chỉ số VnIndex, theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai là tương đương với nhiều nước trên thế giới.
Phía UBCKNN cũng thừa nhận, sau khi xem xét, đánh giá các yếu tố tác động, cơ quan này đánh giá, trong bối cảnh chung, việc TTCK Việt Nam giảm điểm là điều khó tránh khỏi, bởi tâm lý lo ngại về dịch bệnh đang bao trùm nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. “TTCK là nơi phản ứng rất nhạy với các biến cố bất thường.
Tuy nhiên, thực tiễn diễn biến những phiên vừa qua phần nào cho thấy sự phản ứng về mặt tâm lý. Đại diện UBCKNN cũng khẳng định, cơ quan này đã và đang nắm bắt sát sao tình hình, phân tích kỹ lưỡng các yếu tố tác động và chủ động xây dựng các kịch bản để sẵn sàng với các tình huống bất thường trên thị trường. Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng khẳng định, TTCK sẽ bình ổn trở lại và nhà đầu tư vì thế cần bình tĩnh, thậm chí có thể tỉnh táo để tìm “cơ hội trong rủi ro”.