Kinhtedothi - Sau 14 năm ra đời và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều mặt, đem lại nhiều kỳ vọng cho nhà đầu tư khi bước sang tuổi 15.
Giao dịch chứng khoán tại sàn Maybank KIM ENG TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hải
Nếu như số cổ phiếu niêm yết lúc ban đầu chỉ có 2, nay đã có 660, trong đó, Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) TP Hồ Chí Minh 301, Sở GDCK Hà Nội 359. Tổng mức vốn hoá 1,1 triệu tỷ đồng (Sở GDCK TP Hồ Chí Minh chiếm 89%, Sở GDCK Hà Nội 11%), tương đương gần 55 tỷ USD, bằng 30,7% GDP năm 2013. Số tài khoản nhà đầu tư mở tại thị trường chứng khoán đạt 1,3 triệu (nhà đầu tư trong nước 1.282.831, nhà đầu tư nước ngoài 17.169). Tổng số vốn huy động đạt 1,7 triệu tỷ đồng (Chính phủ huy động 1 triệu tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ, các doanh nghiệp huy động khoảng 700.000 tỷ đồng). Hiện có 87 công ty chứng khoán đang hoạt động môi giới, 41 công ty quản lý quỹ. Các Sở GDCK Việt Nam đã trở thành thành viên của Sở GDCK ASEAN, của Liên đoàn các Sở GDCK châu Á và châu Đại Dương, của Hiệp hội các Sở GDCK thế giới. Các kết quả trên càng có ý nghĩa, khi thị trường hoạt động trong bối cảnh các yếu tố thị trường trong nước còn rất sơ khai, do nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, do tác động của cuộc khủng hoảng trên thế giới trăm năm mới có...
Tuy đạt được nhiều kết quả như trên, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có những hạn chế, bất cập. Quy mô vốn hoá thị trường còn khá nhỏ so với các nước khu vực (Philippines gần 200 tỷ USD, Indonesia khoảng 430 tỷ USD, Thái Lan khoảng 500 tỷ USD...). Tính thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam tuy đã đạt trên 2.000 tỷ đồng/phiên, nhưng cũng còn quá ít so với quốc tế (1 tỷ USD hay hơn 21.000 tỷ đồng/phiên). Trong cơ cấu nhà đầu tư, có tới 98% là nhà đầu tư cá nhân, tính đầu tư theo phong trào còn lớn, thường rất dễ hoảng loạn trước các tin đồn và rất dễ bị "cá mập" làm nản lòng. Các doanh nghiệp niêm yết còn ít về số lượng, quy mô còn nhỏ, chất lượng quản trị còn yếu, tính minh bạch chưa cao. Các tổ chức tài chính trung gian (công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ) nhiều nhưng còn đến một nửa chưa xác lập được vị thế trên thị trường... Các sản phẩm đầu tư trên thị trường còn thô sơ, đơn điệu,
Phải nói rằng, sau hơn một tháng bước sang tuổi 15, thị trường chứng khoán đã có dấu hiệu khả quan. Ngày cuối tháng 8, VN-Index đã đạt 636 điểm, không những vượt qua đỉnh tính từ đầu năm (607,55 điểm), mà còn vượt cả đỉnh cách đây 5 năm (22/10/2009 đạt 624,1 điểm), tăng 25% so với cuối năm trước; một số mã còn tăng cao hơn nhiều. Đó là tốc độ tăng mà không một kênh đầu tư nào đạt được trong cùng một thời gian, thậm chí có kênh không những không tăng mà còn giảm (trong 8 tháng qua, CPI tăng 1,84%, giá vàng tăng 2,31%, giá USD tăng 0,42%, lãi suất tiết kiệm - tính theo kỳ hạn 6 tháng - tăng khoảng 4,7%, giá bất động sản gần như không tăng...)Đã có dự báo về khả năng VN-Index từ nay đến cuối năm sẽ vượt qua mốc 650. Nếu đạt được điểm số này thì tốc độ tăng của VN-Index so với cuối năm trước sẽ đạt khoảng 27,7%, cao hơn tỷ lệ lãi suất tiết kiệm trong 3 năm.
Tăng điểm là mục tiêu của nhà đầu tư, nhưng lên/xuống đỉnh/đáy là có tính tất yếu, bởi sóng là động lực của đầu tư/đầu cơ. Điều quan trọng là tăng trong thời gian dài và có tính bền vững. Do thực trạng của cơ cấu đầu tư, cần tác động để có sự chuyển dịch rõ ràng, tích cực hơn, trên cơ sở tăng nhà đầu tư tổ chức, tăng nhà đầu tư nước ngoài. Giảm số công ty chứng khoán trên cơ sở sáp nhập, liên kết để nâng cao chất lượng quản trị, tư vấn. Tăng tính minh bạch, công khai của các công ty niêm yết. Đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ.
Thị trường chứng khoán là thị trường cao cấp, là thị trường huy động vốn trong dài hạn cho nền kinh tế, là hàn thử biểu của nền kinh tế. Sự tăng lên với tốc độ tăng cao như hiện nay là tín hiệu để thị trường bất động sản khôi phục dần, góp phần khôi phục tăng trưởng kinh tế.