KTĐT - Chốt phiên giao dịch 25/10, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 31,49 điểm, tương ứng 0,28%, lên 11.164,05 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,54 điểm, tương ứng 0,21%, lên 1.185,62 điểm.
Chỉ số Dow Jones có lúc chạm mức cao nhất trong 6 tháng, do thị trường kỳ vọng vào việc FED nới lỏng định lượng và USD suy yếu.
Báo cáo khả quan từ thị trường nhà ở, kỳ vọng về kết quả hội nghị nhóm G20 cùng việc đồng USD tiếp tục suy yếu mạnh, đã giúp nâng chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên đầu tuần. Chỉ số Dow Jones có lúc chạm mức cao nhất trong 6 tháng.
Chốt phiên giao dịch 25/10, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 31,49 điểm, tương ứng 0,28%, lên 11.164,05 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,54 điểm, tương ứng 0,21%, lên 1.185,62 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 11,46 điểm, tương ứng 0,46%, lên 2.490,85 điểm.
Khối lượng giao dịch trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq đạt 7,2 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình hàng ngày 8,76 tỷ cổ phiếu từ đầu năm tới nay. Trên sàn New York và Nasdaq, cứ 3 cổ phiếu tăng điểm thì có 2 cổ phiếu giảm điểm.
Cả ba chỉ số chính tăng gần 1% vào đầu phiên, khi giới đầu tư lạc quan về kết quả hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi tại Hàn Quốc hồi cuối tuần trước. Thị trường lên điểm mạnh hơn sau báo cáo khả quan về thị trường nhà ở. Theo Hiệp hội nhà đất Mỹ (NAHB), doanh số bán nhà đã qua sử dụng tháng 9 tăng vọt 10% lên 4,53 triệu căn, cao hơn mức dự báo 4,25 triệu căn của giới phân tích.
Thị trường cũng nhận được sự hỗ trợ từ diễn biến của tỷ giá hối đoái, khi USD tiếp tục suy yếu khiến giới đầu tư thêm hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nới lỏng định lượng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong phiên hôm qua, đồng USD có lúc đã rớt xuống mức thấp nhất trong 15 năm so với đồng Yên Nhật.
Ngân hàng Goldman Sachs dự tính, Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) sẽ công bố các biện pháp nới lỏng định lượng trong cuộc họp từ 2-3/11 tới. Theo định chế tài chính này, FED có khả năng chi tới 4.000 tỷ USD để mua tài sản nhằm thúc đẩy tăng trưởng và đạt được mức lạm phát như mong muốn.
Tuy nhiên, đà tăng của các chỉ số giảm bớt vào cuối phiên khi đồng bạc xanh hồi phục trở lại, làm chậm lại đà tăng giá của nhóm cổ phiếu hàng hóa nguyên liệu. Đây cũng là lần thứ 2 trong vòng 7 ngày qua, chỉ số Dow Jones hạ nhanh sau khi gần chạm mức đỉnh cả năm. Trong phiên, có lúc Dow Jones chạm mốc 11.247,60 điểm, cao hơn cả mức đỉnh 11.205,03 điểm hôm 26/4.
Thị trường châu Âu cũng lên điểm trong phiên hôm qua. Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 10,61 điểm, tương ứng 0,18%, lên 5.751,98 điểm. Chỉ số DAX của Đức tăng 33,37 điểm, tương ứng 0,51%, lên 6.639,21 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 1,46 điểm, tương ứng 0,04%, lên 3.870 điểm.
Đa số các thị trường chứng khoán châu Á đều tăng điểm trong phiên giao dịch 25/10 sau khi nhóm G20 thống nhất không làm suy yếu đồng nội tệ và thông tin về vụ sáp nhập giữa hai sở chứng khoán Singapore và Australia. Đặc biệt, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Trung Quốc tiến gần 3%.
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 0,47%. Chỉ số Taiex của Đài Loan tăng 1,7%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc cộng 0,97%. Chỉ số Straits Times của Singapore tăng 0,27%. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 1,3% lên 131,61 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 14/10.