Chứng khoán Mỹ 14/8 biến động nhẹ trong phiên giao dịch ngày 14/8, một lần S&P 500 lại gần phá mức đỉnh lịch sử. Giới đầu tư thận trọng xem xét dữ liệu kinh tế pha trộn giữa khả quan và bi quan, đồng thời chờ đợt kết quả đàm phán về gói hỗ trợ kinh tế mới.
Chốt phiên giao dịch này, chỉ số S&P 500 hạ gần 0,1% xuống 3.372,85 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,21% còn 11.019,3 điểm. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones tăng 34,3 điểm (tương đương 0,12%) lên 27.931,02 điểm.
Cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn chịu áp lực nhẹ gần cuối phiên giao dịch, với Amazon và Alaphabet lần lượt sụt 0,41% và 0,79%.
Cổ phiếu sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ việc mở cửa kinh tế bù đắp cho một số tổn thất từ nhóm công nghệ. Nhóm hàng không gồm United Airlines, Delta và Southwest đều tăng ít nhất 0,5%.
Tính chung trong tuần, các chỉ số chính trên sàn Phố Wall đều đi lên. Chỉ số S&P 500 cộng 0,64%, chứng kiến tuần thứ ba đi lên liên tiếp. Dow Jones tăng 1,8% trong tuần này. Nasdaq Composite tăng gần 0,1% kể từ đầu tuần đến nay.
Hiện chỉ số S&P 500 chỉ còn cách đỉnh cao nhất mọi thời đại 0,6%. Trong tuần, S&P 500 đã có nhiều thời điểm tiến gần sát mức đỉnh này nhưng không thể vượt qua.
Ông Frank Cappelleri - Giám đốc điều hành tại Instinet nhận định: "Với việc S&P 500 không thể phá mức đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng 2/2020 dù đã phục hồi mạnh trong tuần, giới quan sát cho rằng đây là dấu hiệu rõ ràng của sự kiệt sức".
Chuyên gia Cappelleri lưu ý thêm rằng nhà đầu tư có thể cũng đang dừng lại sau đợt tăng mạnh của thị trường, do họ lo ngại nhiều bất ổn. "Nền kinh tế nói chung vẫn còn nhiều điều thiếu chắc chắn. Số ca mắc Covid-19 mới vài tháng qua cũng đang tăng lên" – ông Cappelleri cho biết.
Thị trường giằng co trong tuần này khi nhà đầu tư xoay chuyển giữa các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn và nhóm cổ phiếu sẽ được hưởng lợi từ việc mở cửa nền kinh tế.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh số bán lẻ trong tháng 7 tăng 1,2%, thấp hơn dự báo 2,3% của Dow Jones. Tuy nhiên, nếu không tính lĩnh vực ô tô, doanh số bán lẻ tháng 7 tăng 1,9%, vượt qua mức dự đoán 1,2%.
Tại Washington, các nhà lập pháp dường như không thể đạt được tiến triển với gói kích thích mới và trạng thái này có thể kéo dài hàng tuần. Các nghị sĩ Thượng viện lẫn Hạ viện đều đã rời thủ đô Washington vào ngày 13/8 và sẽ không quay trở lại cho đến sớm nhất là đầu tháng 9.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết bà sẽ không bắt đầu lại các cuộc thảo luận với Đảng Cộng hòa về vấn đề này cho đến khi họ tăng đề nghị viện trợ thêm 1 ngàn tỷ USD. Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow cũng nói với CNBC rằng Chính phủ và Đảng Dân chủ đang ở “thế bế tắc”.
“Với tình hình bế tắc trong đàm phán về gói hỗ trợ mới, khó có khả năng người tiêu dùng nhận được bất kỳ đợt hỗ trợ tài chính bổ sung nào trong tháng 8. Chắc chắn rằng triển vọng cho thị trường trong tháng 9 phụ thuộc nhiều vào chính sách tài khóa”- Aneta Markowska, nhà kinh tế trưởng tại Jefferies, lưu ý.