Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ “đứng ngồi không yên” vì Fed, đứt mạch chuỗi 9 tuần leo dốc

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù tăng nhẹ trong phiên ngày thứ Sáu sau khi báo cáo việc làm được công bố, cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều chấm dứt chuỗi 9 tuần tăng liên tiếp.

Chứng khoán Mỹ đứt mạch chuỗi tăng 9 tuần liên tiếp. Ảnh: AP
Chứng khoán Mỹ đứt mạch chuỗi tăng 9 tuần liên tiếp. Ảnh: AP

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày  5/1, chỉ số S&P 500 cộng 0,18% lên mức 4.697,24 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,09% lên 14.524,07 điểm, còn Dow Jones cộng nhích 25,77 điểm lên mức 37.466,11 điểm.

Tuy nhiên, cả ba chỉ số cùng có tuần giảm điểm sau 9 tuần tăng liên tiếp. Trong đó, mức giảm lớn nhất 3,25% thuộc về Nasdaq Composite và ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2023. Chỉ số S&P 500 và Dow Jones lần lượt sụt 1,52% và 0,59%.

Thị trường Phố Wall biến động trong phiên ngày thứ Sáu y 5/1 khi nhà đầu tư thận trọng đánh giá dữ liệu việc làm để xác định lộ trình cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). 

Theo báo cáo của Bộ Lao động, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra nhiều việc làm hơn so với dự đoán vào tháng 12. Số việc làm phi nông nghiệp đã tăng thêm 216.000, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 170.000 của các nhà kinh tế được Dow Jones thăm dò. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp được giữ ổn định ở mức 3,7% thay vì tăng lên như dự báo.

Báo cáo việc làm khả quan hơn đã khiến lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có thời điểm trong ngày 5/1 vọt lên 4,103%. Vào cuối ngày 5/1, lợi suất trái phiếu đã giảm xuống còn 4,051%.

Những số liệu mới nhất cho thấy một thị trường lao động vẫn thắt chặt, đồng nghĩa nền kinh tế còn mạnh, và làm giảm kỳ vọng vào việc Fed sẽ sớm giảm lãi suất và nhiều trong năm 2024.

Trước khi dữ liệu việc làm mạnh mẽ được công bố, thị trường từng kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất sớm nhất vào tháng 3 và sẽ có 6 đợt giảm lãi suất trong năm 2024. 

Theo công cụ FedWatch Tool của sàn CME, tỷ lệ đặt cược của các nhà giao dịch vào khả năng Fed sẽ có đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên ở mức 0,25% vào tháng 3 chỉ còn 53,6%, giảm từ mức 62,3% trong ngày 4/1 và 73,4% một tuần trước đó.

Ngược lại, xác suất Fed sẽ giữ nguyên mức lãi suất hiện tại trong cuộc họp chính sách tháng 3 đã tăng lên 43,9% trong ngày 5/1, cao hơn nhiều so với mức 11,5% vào tuần trước.

Bên cạnh đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) dịch vụ cho thấy hoạt động kinh doanh nhìn chung vẫn đang mở rộng. Tuy nhiên, kết quả 50,6% thấp hơn gần 2 điểm % so với ước tính của Dow Jones là 52,5% cũng như kết quả 52,7% của tháng 11. PMI  lớn hơn 50% cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh đang được mở rộng.

Chuyên gia Mike Bailey, Giám đốc nghiên cứu tại FBB Capital Partners nhận định với đài CNBC: “Thị trường việc làm dường như quá tốt. Và điều này có thể khiến lạm phát  tăng nhiệt dựa trên mức tăng trưởng tiền lương mà chúng ta đang thấy”. 

Theo ông Bailey, thị trường việc làm tăng trưởng mạnh mẽ có thể “dội một gáo nước lạnh” vào hy vọng về một đợt cắt giảm lãi suất nhanh chóng.

Vị chuyên gia này lưu ý thêm: “Trong phiên giao dịch hôm nay, giới đầu tư từng kỳ vọng ba điều: Lạm phát hạ nhiệt, thị trường việc làm ổn định và giảm lãi suất. Tuy nhiên, từ số liệu việc làm mới nhất, tôi thấy rằng các nhà đầu tư chỉ có thể nhận được một trong ba điều từng mong muốn”. 

Một yếu tố khác đè nặng lên tâm lý thị trường trong tuần này là đà lao dốc của nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn như Apple. Trong tuần này, cổ phiếu của nhà sản xuất iPhone đã bị hai đơn vị hạ bậc xếp hạng và giảm 5,9%. Tờ New York Times hôm 5/1 đưa tin Bộ Tư pháp Mỹ đang chuẩn bị một vụ kiện chống độc quyền trước  Apple.