Chứng khoán Mỹ: Giới đầu tư đua nhau bắt đáy, Dow Jones vọt gần  800 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ bùng nổ trong phiên khởi đầu quý IV, với Dow Jones tăng mạnh nhất từ ngày 24/6, còn S&P 500 có phiên khởi sắc  nhất từ ngày 27/7.

Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng mạnh trong phiên ngày 3/10. Ảnh: AP
Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng mạnh trong phiên ngày 3/10. Ảnh: AP

Chứng khoán Mỹ phủ sắc xanh trong ngày thứ Hai (3/10) - phiên giao dịch đầu tiên trong tháng 10, khi lợi suất trái phiếu Mỹ giảm từ mức cao chưa từng thấy trong gần 1 thập kỷ.

Theo CNBC,  chốt phiên ngày 3/10, chỉ số Dow Jones vọt 765,38 điểm (tương đương 2,7%) lên mức 29.490,89 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,6% lên 3.678,43 điểm, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020 trong phiên cuối tuần trước. Chỉ số Nasdaq Composite cũng tiến gần 2,3% lên mức 10815,43 điểm.

Đây là phiên tốt nhất kể từ ngày 24/6/2022 của Dow Jones và là phiên tăng mạnh nhất của S&P 500 kể từ ngày 27/7/2022.

Các chỉ số trên sàn Phố Wall giao dịch khởi sắc trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm trong phiên đầu tuần giảm về mức 3,65%, sau khi vượt ngưỡng 4% vào tuần trước.

Chuyên gia Tavis McCourt của Raymond James nhận xét: “Diễn biến trên thị trường hoàn toàn hợp lý, đó là chứng khoán sẽ chịu sức ép khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục tăng, và thị trường Phố Wall đi lên khi lợi suất trái phiếu hạ nhiệt”.

Cuối tuần trước, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng giảm mạnh khi chốt phiên tháng 9, trong đó S&P 500 lao dốc 9,3% và đánh dấu tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020. Chỉ số Dow Jones cũng mất tới 8,8% và rơi mốc 29.000 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020. Còn Nasdaq Composite mất 10,5% do cổ phiếu công nghệ lao dốc khi lợi suất trái phiếu lên cao

Tính chung trong quý III, S&P 500 sụt 5,3%, Nasdaq và Dow Jones giảm lần lượt 4,1% và 6,7%. Trong quý I và II, các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng sa sút. Đây là chuỗi giảm ba quý liên tiếp đầu tiên của S&P 500 và Nasdaq kể từ năm 2009 và của Dow Jones kể từ năm 2015.

Trong số 11 nhóm cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500, có tới 9 nhóm sa sút trong quý III. Tuy nhiên, trong phiên ngày 3/10, tất cả 11 nhóm ngành đều phục hồi mạnh mẽ.

Sam Stovall - Giám đốc chiến lược đầu tư của CFRA, giairi thích: “Chứng khoán Mỹ khởi sắc vào ngày thứ Hai không có gì bất ngờ khi xem xét thị trường quá bán đã diễn ra như thế nào”.

Giới đầu tư chỉ mới bắt đầu mất hy vọng vào sự phục hồi trong quý IV/2022.  Chuyên gia Stovall lạc quan cho rằng thị trường vẫn có thể tiếp tục đi lên, đồng thời lưu ý rằng đà tăng vào cuối năm mạnh mẽ hơn theo lịch sử ở những năm bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Chuyên gia Ed Moya của công ty Oanda cho rằng thị trường Phố Wall đang kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đảo ngược chính sách thắt chặt tiền tệ vào tháng 12 tới.

Theo ông Ed Moya, việc lợi suất trái phiếu hạ nhiệt trong phiên giao dịch ngày 3/10 là dấu hiệu phản ánh sự lạc quan của nhà đầu tư trên sàn Phố Wall.

Về dữ liệu kinh tế, số liệu do Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) công bố ngày  3/10 cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất trong tháng 9 giảm còn 50,9 điểm sau khi đạt 52,8 điểm trong tháng 8, thấp hơn so với kỳ vọng của các nhà kinh tế.

PMI trên 50 điểm cho thấy hoạt động kinh doanh đang tăng trưởng và dưới 50 điểm cho thấy sự giảm sút. Nói cách khác, hoạt động sản xuất tại Mỹ trong tháng 9 chỉ tăng nhẹ và gần chạm  ngưỡng suy thoái. Chỉ số phụ về lượng đơn đặt hàng mới giảm xuống còn 47,1 điểm trong tháng 9.