Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ hồi hộp chờ tin Fed, Nasdaq Composite lập đỉnh mới

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -  Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên đầu tuần trước thềm cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Cổ phiếu Broadcom nhảy vọt  11% khi chốt phiên ngày 16/12. Ảnh: Financhle.com
Cổ phiếu Broadcom nhảy vọt  11% khi chốt phiên ngày 16/12. Ảnh: Financhle.com

Chỉ số Nasdaq Composite lập kỷ lục mới, nhưng Dow Jones ghi nhận phiên giảm thứ 8 liên tiếp khi các nhà đầu tư mong đợi một đợt cắt giảm lãi suất từ Fed vào giữa tuần cũng như một số dữ liệu quan trọng được công bố để tìm manh mối về chính sách tiền tệ trong năm tới.

Chốt phiên ngày 16/12, chỉ số S&P 500 tăng 0,38%, lên mức 6.074,08 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 1,24%, đạt 20.173,89 điểm. Trong khi đó, Dow Jones sụt 110,58 điểm, tương đương 0,25%, về mức 43.717,48 điểm.

Chuỗi 8 phiên giảm của Dow Jones là chuỗi phiên mất điểm dài nhất của chỉ số blue-chip này kể từ năm 2018.

Loạt cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn gồm Apple, Alphabet, Tesla và Broadcom đồng loạt chốt phiên ở mức cao kỷ lục. Đóng góp nhiều nhất vào phiên giao dịch bùng nổ của Nasdaq Composite là cổ phiếu Broadcom với mức tăng 11%. Tuần trước, hãng sản xuất con chip này thiết lập cột mốc vốn hóa thị trường 1 ngàn tỷ USD sau khi công bố kết quả kinh doanh khả quan hơn dự báo.

Trong số các nhóm cổ phiếu chính của S&P 500, công nghệ và tiêu dùng không thiết yếu cũng ghi nhận mức cao chưa từng thấy khi đóng cửa phiên giao dịch.

Trong khi đó, cổ phiếu Nvidia - trung tâm của cơn sốt cổ phiếu  trí tuệ nhân tạo (AI) ở Phố Wall trong 2 năm qua – sụt 1,7% và rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh khi mất hơn 10% từ mức kỷ lục thiết lập hồi tháng 11.

“Chúng ta đang tiếp tục chứng kiến xu hướng tăng không đều trên sàn Phố Wall. Sự dịch chuyển sang các cổ phiếu giá trị hiện suy yếu. Tâm lý ham thích rủi ro đang tăng lên nhờ gia tăng kỳ vọng khi Tổng thống đắc cử Donald Trump lên nắm quyền, môi trường đầu tư sẽ trở nên thuận lợi hơn cho công nghệ và các dạng đầu tư mới”, Phó chủ tịch cấp cao Oliver Pursche của công ty Wealthspire Advisors nhận định.

Biến động trái chiều trên thị trường chứng khoán Mỹ diễn ra trong bối cảnh Fed chuẩn bị bước vào cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày bắt đầu từ ngày thứ Ba.

Thị trường gần như đã tin chắc vào khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất với mức 0,25% tại cuộc họp chính sách sắp tới, theo công cụ FedWatch của CME.

“Nhiều khả năng cuộc họp trong tuần này sẽ là một đợt điều chỉnh chính sách mang tính chất “diều hâu” của Fed. Có nghĩa là Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ giảm lãi suất nhưng đồng thời nhấn mạnh rằng họ vẫn phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế. Do đó, số đợt nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2025 có thể ít hơn kỳ vọng của thị trường” - chiến lược gia trưởng về đầu tư Sam Stovall tại CFRA Research cho hay.

Mối quan tâm lớn của giới đầu tư là Fed và Chủ tịch Jerome Powell sẽ phát tín hiệu như thế nào về đường đi của lãi suất trong năm tới sau khi ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới bắt đầu chu kỳ nới lỏng vào tháng 9 năm nay.

Theo chiến lược gia toàn cầu Jay Woods tại Freedom Capital Markets, mỗi quyết định lãi suất và họp báo của Fed đều có ý nghĩa quan trọng, song  cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2024 có lẽ sẽ là lần họp được quan tâm nhiều nhất.

“Kể từ sau đợt giảm lãi suất đầu tiên của Fed vào tháng 9, số liệu việc làm của Mỹ đã ổn định. Tuy nhiên, số liệu lạm phát lại đang nhích lên dù rất nhẹ. Trên thực tế, lạm phát liên tục đi lên kể từ khi Fed bắt đầu hạ lãi suất. Liệu đây là sự ‘dai dẳng’ của lạm phát hay là sự khởi đầu của một xu hướng mới?” - chuyên gia Woods đặt câu hỏi.

Về dữ liệu kinh tế, S&P Global hôm 16/12 công bố chỉ số PMI sản xuất sơ bộ giảm xuống còn 48,3 điểm trong tháng này, thấp hơn mức 49,8 dự báo của các nhà kinh tế và con số 49,7 điểm của tháng 11.

Bên cạnh đó, chỉ số về sản lượng nhà máy cũng rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020 trong bối cảnh có nhiều lo ngại rằng thuế quan trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ làm tăng chi phí nguyên liệu nhập khẩu vào năm sau.

Dữ liệu bán lẻ sẽ được công bố trước thềm cuộc họp của Fed, cung cấp thêm tín hiệu về sức mạnh chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ.