Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ hồi hộp chờ tin lãi suất, Dow Jones lập kỷ lục mới

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên đầu tuần trước thềm cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Chỉ số Nasdaq Composite sụt điểm, còn S&P 500 tiến gần tới mức kỷ lục và chỉ số Dow Jones chốt phiên ở mức cao chưa từng thấy trong lịch sử, khi nhà đầu tư đợi quyết định giảm lãi suất lần đầu tiên trong 4 năm của Fed.

Chứng khoán Mỹ diễn biến ngược chiều trong phiên 16/9. Ảnh: MSN
Chứng khoán Mỹ diễn biến ngược chiều trong phiên 16/9. Ảnh: MSN

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 16/9, chỉ số S&P 500 cộng 0,13%, lên mức 5.633,09 điểm. Dow Jones tăng 228,3 điểm, tương đương tăng 0,55%, đạt 41.622,08 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq Composite sụt 0,52%, xuống còn 17.592,13 điểm.

Gây sức ép giảm nhiều nhất lên Nasdaq Composite phiên này là cú lao dốc 2,8% của cổ phiếu Apple, sau khi các ngân hàng Bank of America và JPMorgan cho rằng hoạt động vận tải sản phẩm có dấu hiệu cho thấy nhu cầu đối với mẫu điện thoại mới iPhone 16 Pro có thể không đạt được mức như của mẫu 15 ra mắt vào năm ngoái.

Cổ phiếu “ông lớn” chip Nvidia cũng đi xuống do một số nhà đầu tư đẩy mạnh hoạt động chốt lời sau đợt phục hồi mạnh vào tuần trước. Mã này chốt phiên với mức giảm gần 2%.

Một số cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn khác cũng nhuốm sắc đỏ phiên đầu tuần, như Broadcom mất 2% và Marvell Technology sụt 1,5%.

Ở chiều nguợc lại, lĩnh vực tài chính và năng lượng tăng hơn 1% trong phiên giao dịch đầu tuần, vượt trội so với thị trường chung.

Sau phiên ngày thứ Hai, chỉ số S&P 500 chỉ còn cách chưa đầy 1% là tái lập kỷ lục ghi nhận vào hồi tháng 7. Một số nhà phân tích dự báo thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ có khả năng lập kỷ lục mới trong tuần này.

Sau khi chứng kiến tuần giao dịch đầy sóng gió đầu tháng 9, cả 3 chỉ số chính của Phố Wall đều hồi phục ấn tượng trong tuần trước, với S&P 500 và Nasdaq Composite hoàn tất tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu năm.

Theo nhà phân tích cấp cao Christoper Barto của Công ty Fort Pitt Capital, giới đầu tư đã tăng tốc chốt lời cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn trong phiên này, đặc biệt là cổ phiếu chip.

Vị chuyên gia này cho rằng vai trò nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường sẽ có sự thay đổi hoàn toàn khi các nhóm cổ phiếu khác cũng đã bắt đầu khởi sắc. Xu hướng này có liên quan nhiều tới triển vọng Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.

Cổ phiếu tài chính và công nghệ đều cũng tăng hơn 1% trong phiên đầu tuần, giữ vai trò trụ cột của toàn thị trường. Trái lại, mức giảm mạnh nhất hơn 1% rơi vào nhóm công nghệ thông tin.

Chiến lược gia trưởng về thị trường Ken Polcari tại SlateStone Wealth ở Jupiter nhận định: "Các nhà đầu tư đang giảm bớt danh mục rủi ro cao trước quyết định chính sách tiền tệ của Fed. Thị trường đang thực dụng hơn một chút và buông bỏ cổ phiếu công nghệ”.

Fed sẽ họp chính sách từ ngày 17 - 18/9 và dự kiến sẽ có quyết định hạ lãi suất đầu tiên kể từ năm 2020. Nhiều nhà đầu tư hy vọng lãi suất đi xuống có thể khiến chi phí đi vay của doanh nghiệp giảm, qua đó giúp cải thiện tăng trưởng lợi nhuận. 

Lãi suất quỹ liên bang hiện ở mức 5,25% - 5,5%. Phố Wall đang nghiêng về khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất ở mức 0,5% tại cuộc họp tuần này.

Thị trường tương lai đang dự báo khả năng 63% Fed cắt giảm lãi suất 0,5% trong cuộc họp sắp tới, theo công cụ FedWatch của CME Group. Kết quả này cao hơn đáng kể so với dự báo chỉ một tuần trước. 

Theo chiến lược gia trưởng về thị trường Quincy Krosby của LPL Financial, việc Fed cắt giảm lãi suất “mạnh tay hơn” có thể gây áp lực đối với đồng USD.

"Đồng USD nhiều khả năng sẽ suy yếu nhanh hơn so với các đồng tiền chủ chốt khác nếu Fed quyết định hạ lãi suất với mức 0,5% trong cuộc họp chính sách sắp tới” - chuyên gia Krosby nói với đài CNBC.