Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ hụt hơi sau chuỗi thăng hoa, Dow Jones mất gần 60 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ giảm nhẹ trong đầu tuần khi giới đầu tư thận trọng chờ đợi dữ liệu chi tiêu tiêu dùng và và phát biểu của quan chức Fed về lạm phát.

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 27/11, chỉ số Dow Jones mất 56,68 điểm, tương ứng 0,16%, xuống còn 35.333,47 điểm. S&P 500 sụt 0,2% về mức 4.550,43 điểm, và Nasdaq Composite cũng hạ 0.07% còn 14.241,02 điểm.

Chứng khoán Mỹ giảm nhẹ trong phiên ngày 27/11. Ảnh: AP
Chứng khoán Mỹ giảm nhẹ trong phiên ngày 27/11. Ảnh: AP

Chứng khoán Mỹ vừa chứng kiến 4 tuần leo dốc liên tiếp khi lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm rút khỏi mức đỉnh 5%. Tính chung từ đầu tháng đến ngày 27/11, chỉ số S&P 500 đã tăng 8,5%, Dow Jones và Nasdaq Composite lần lượt cộng 6,9% và 10,8%. 

Chi tiêu thương mại điện tử vào ngày Black Friday (Thứ Sáu Đen) tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, một số công ty bán lẻ Mỹ lại cảnh báo rằng chi tiêu của người tiêu dùng đang suy yếu. 

Trong phiên giao dịch đầu tuần, cổ phiếu của một số công ty thương mại điện tử như Amazon hay Shopify lần lượt tăng 0,7% và 4,9%.

Dữ liệu chi tiêu suy yếu cũng có thể là một tín hiệu tích cực cho thấy chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cuối cùng cũng bắt đầu có tác động đến nền kinh tế. 

Chiến lược gia Quincy Krosby tại LPL Financial nói với đài CNBC: “Sự suy yếu của người tiêu dùng có thể trở thành lực đẩy cho thị trường cổ phiếu vì nó giúp chứng minh cơ sở của đợt tăng giá. Thị trường Phố Wall đã hưởng lợi từ niềm tin vững chắc, mạnh mẽ rằng Fed sẽ kết thúc chiến dịch thắt chặt và bắt đầu hạ lãi suất vào năm 2024”.

Theo bà Krosby, thị trường đã rơi vào tình trạng quá mua trong một số phiên. Vị chuyên gia này lưu ý rằng lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm sẽ là yếu tố ảnh hưởng tới sàn Phố Wall tuần này, đặc biệt là khi các quan chức Fed sẽ có bài phát biểu và một loạt dữ liệu quan trọng về niềm tin người tiêu dùng cũng như lạm phát được công bố.

Cũng có quan điểm tương tự, ông Phillip Colmar - đối tác quản lý và chiến lược gia vĩ mô toàn cầu tại MRB Partners, dự đoán thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục chịu tác động từ thị trường trái phiếu.

Ông Colmar cho rằng cổ phiếu vẫn đang bị quá mua, đồng thời khẳng định nền kinh tế “vẫn đang có triển vọng phục hồi”, khiến việc giảm lãi suất trong tương lai trở nên khó khăn hơn. 

Các nhà đầu tư đang chờ đợi việc phát hành báo cáo "Beige Book"(bản tóm tắt của Fed về nền kinh tế) và dữ liệu chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) trong tháng 10, những thông tin sẽ giúp đưa ra manh mối về quyết định lãi suất tiếp theo của Fed.

Báo cáo niềm tin người tiêu dùng sẽ được công bố vào ngày 28/11, trong khi chỉ số PCE sẽ được công bố vào ngày 30/11.

Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, số lượng nhà mới bán ra trong tháng 10 chậm hơn so với dự kiến. Tuy nhiên, kết quả này vẫn cho thấy sự cải thiện so với một năm trước.

Trọng tâm khác là việc một loạt các quan chức Fed sẽ có những phát biểu tại các hội nghị khác nhau trong tuần này, với Chủ tịch Jerome Powell dự kiến sẽ tham gia một hội thảo vào thứ Sáu.

Các nhà giao dịch đã dự báo khả năng Fed tạm dừng tăng lãi suất vào tháng 12 và khoảng 52% cơ hội Fed cắt giảm lãi suất ít nhất 0,25% vào tháng 5/2024, theo Công cụ FedWatch của CME Group.

Tại cuộc họp chính sách từ 31/10-1/11, các nhà hoạch định chính sách Fed không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ sớm giảm lãi suất, theo biên bản được công bố vào tuần trước. Fed khẳng định chính sách tiền tệ sẽ cần phải duy trì ở mức “hạn chế” trong bối cảnh lạm phát có thể đi ngang hoặc tăng cao hơn.