Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ khởi sắc dù FED phát tín hiệu không quá nới lỏng chính sách tiền tệ

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính của Phố Wall đồng loạt đi lên trong phiên ngày 21/8 nhờ kết quả lợi nhuận khả quan của ngàng bán lẻ khiến nhà đầu tư phấn chấn.

Thị trường chứng khoán Mỹ nhận được lực đẩy quan trọng trong phiên này khi kết quả kinh doanh hàng quý mạnh mẽ của các công ty bán lẻ lớn được giới giao dịch xem như tín hiệu cho thấy nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ trong nền kinh tế.
Hai hãng bán lẻ Target và Lowe’s cùng đưa ra kết quả kinh doanh quý II/2019 tốt hơn kỳ vọng. Nhờ đó, cổ phiếu Target tăng 20,4% và cổ phiếu Lowe’s tăng 10,4%.
Nhu cầu tiêu dùng cao giúp giảm bớt nỗi lo về nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ. Trong phiên giữa tuần trước, giới đầu tư ở Phố Wall đã bán tháo cổ phiếu khi chứng kiến đường cong lợi suất giữa trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm đảo ngược chớp nhoáng. Sự đảo ngược này được xem là một dấu hiệu suy thoái kinh tế sắp diễn ra.
 Chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên ngày 21/8.
Trong phiên giao dịch ngày 21/8, đường cong lợi suất giữa trái phiếu 2 năm và 10 năm lại có lúc đảo ngược, nhưng bán tháo đã không tái diễn.
"Khi nào thị trường việc làm còn mạnh như hiện nay, thì niềm tin của người tiêu dùng vẫn sẽ vững vàng", chiến lược gia trưởng JJ Kinahan thuộc TD Ameritrade phát biểu. "Xét cho cùng, cứ có công ăn việc làm thì người ta sẽ đi ra ngoài và chi tiêu thêm".
Các kết quả lợi nhuận tốt hơn mức dự báo được công bố giữa lúc thị trường gia tăng lo ngại về sự suy thoái kinh tế tại Mỹ. Tâm lý hoang mang khiến các nhà đầu tư tránh xa các tài sản rủi ro như cổ phiếu, chuyển hướng sang mua vàng và trái phiếu kho bạc Mỹ.
Chỉ số Dow Jones sụt hơn 2% trong tháng 8 trong bối cảnh lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đều mất hơn 1,5% trong tháng này. Trong khi đó, giá vàng đã tăng hơn 5% trong tháng này và lãi suất chính phủ Mỹ 10 năm giảm khoảng 40 điểm cơ bản, tương đương 0,4%.
Tuy nhiên, Brian Moynihan, Giám đốc điều hành Bank of America cho rằng sức mua của người tiêu dùng Mỹ vẫn đủ mạnh để duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đà tăng của các chỉ số chính trên sàn Phố Wall chững lại sau khi biên bản cuộc họp tháng 7 của Cục Dự trữ Liên bang (FED) cho thấy các nhà hoạch định chính sách tranh luận về việc cắt giảm lãi suất quyết liệt hơn.
Theo biên bản cuộc họp chính sách 30-31/7 được FED công bố hôm 21/8, một số quan chức ngân hàng trung ương muốn cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm, nhưng cuối cùng chỉ cắt giảm 0,25 điểm phần trăm.
Các nhà hoạch định chính sách của FED đã thống nhất tránh phát đi dấu hiệu rằng ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục hạ lãi suất.
Chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones tăng 240,29 điểm, tương đương 0,9%, đạt 26.202,73 điểm. Chỉ số S&P 500 nhích 0,8%, đạt 2.924,43 điểm và chỉ số Nasdaq cộng 0,9%, đạt 8.020,21 điểm.
Theo kế hoạch, Chủ tịch FED Jerome Powell sẽ có bài phát biểu được chờ đợi vào ngày 23/8 tại hội nghị thường niên của FED ở Jackson Hole.
Giới phân tích kỳ vọng bài phát biểu sắp tới của ông Powell sẽ đưa ra những tín hiệu rõ ràng hơn về chính sách tiền tệ sắp tới của FED, liệu chủ trương của FED có sự thay đổi gì không từ sau cuộc họp tháng 7, đặc biệt với những diễn biến của thương chiến Mỹ - Trung leo thang từ đầu tháng 8. Hôm 1/8, chỉ một ngày sau khi FED hạ lãi suất, Tổng thống Donald Trump tuyên bố tăng thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Ông Robert Phipps - Giám đốc của Per Stirling Capital Management, nhận xét rằng biên bản cuộc họp tháng 7 của FED "không có tín hiệu đáng kể nào về chủ trương sắp tới. “Jackson Hole sẽ là cơ hội đầu tiên để ông Powell có những đánh giá quan trọng sau kế hoạch áp thuế quan mới nhất" – ông Phipps cho hay.