Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ khởi sắc tạo lực đẩy cho cổ phiếu châu Á, Bitcoin lên gần 42.000 USD

Nguyễn Thu (Theo Reuters, CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán châu Á khởi sắc theo đà tăng điểm trên sàn Phố Wall, trong khi đồng Bitcoin đã phục hồi lên khoảng 41.650 USD sau đợt lao dốc kỷ lục.

Thị trường cổ phiếu châu Á đi lên trong phiên ngày 21/5, đang trên đà ghi nhận tuần leo dốc khi giới đầu tư giảm bớt lo ngại về lạm phát tăng “nóng”, và nguy cơ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sớm chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ.
 Chứng khoán châu Á khởi sắc trong phiên ngày 21/5. Ảnh: Reuters
Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1%, trong khi chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản cộng 0,6%. Chỉ số này dự kiến sẽ chứng kiến mức leo dốc 1,9% trong tuần này.
Chỉ số chứng khoán của thị trường Đài Loan (Trung Quốc) dẫn đầu đà leo dốc của thị trường châu Á khi tăng 1,8%. Tại thị trường Trung Quốc, chỉ số  CSI cũng cộng 0,3%.
Chỉ số tương lai của S&P 500 tại thị trường châu Á nhích 0,3% sau khi tăng hơn 1% trong phiên ngày thứ Năm.
Cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà tăng điểm trên thị trường khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đi xuống do kết quả hoạt động kinh doanh của Mỹ yếu hơn dự báo trước đó. Sự sụt giảm của chỉ số giá hàng hóa, đặc biệt là giá dầu, cũng giảm bớt lo ngại về tỷ lệ lạm phát tại Mỹ.
Nhà phân tích thị trường Kyle Rodda của IG ở Melbourne cho biết: “Các nhà đầu tư đang đánh giá xem tỷ lệ lạm phát sẽ tăng như thế nào và liệu điều đó có tác động đến quyết định về chính sách tiền tệ của FED hay không”.
Chi nhánh FED tại Philadelphia cho biết, chỉ số hoạt động kinh doanh trong tháng 4 đã giảm từ mức 50,2 điểm xuống còn 31,5 điểm -  mức giảm lớn nhất trong gần nửa thế kỷ qua.
Trong ngày 21/5, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tại thị trường châu Á dao động ở mức 1,635%, giảm hơn 4 điểm cơ bản so với phiên trước đó.
Trên thị trường tiền tệ, tỷ giá đồng USD dao động quanh mức thấp nhất trong nhiều tháng sau khi chạm đáy 2 tuần ở phiên trước đó. Chỉ số USD, phản ánh sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, đi ngang ở mức 89,755 điểm sau khi sụt 0,4% trong phiên ngày thứ Năm.
Đối với thị trường tiền số, đồng Bitcoin đã phục hồi lên khoảng 41.650 USD trong phiên ngày 21/5 sau đợt bán tháo mạnh trong tuần này. Trước đó đồng Bitcoin lao dốc về còn 30.066 USD trong phiên ngày 19/5 - mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1/2021.
Bitcoin và các đồng tiền điện tử lớn khác đồng loạt mất giá sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc lặp lại quan điểm không chấp nhận dạng thức thanh toán bằng tiền số. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) khẳng định các loại tiền điện tử không nên và không thể được sử dụng trên thị trường vì chúng không phải là những loại tiền tệ thực sự.
Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới này có lúc lao dốc 30% xuống sát 30.000 USD trong ngày 19/5 nhưng rồi có lúc bật tăng lên trên 42.000 USD vào ngày 20/5. Tuy nhiên, đà tăng của đồng Bitcoin chững lại rồi chuyển sang giảm sau khi Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố sẽ có biện pháp để siết chặt các giao dịch và thị trường tiền mã hóa, bất kỳ giao dịch nào có giá trị trên 10.000 USD đều sẽ phải báo cáo với Sở Thuế vụ (IRS). Chốt phiên ngày 20/5, đồng Bitcoin tăng khoảng 3% lên mức gần 40.000 USD.
 Đồng Bitcoin đã phục hồi lên khoảng 41.650 USD trong phiên ngày 21/5 sau đợt bán tháo mạnh trong tuần này. Ảnh: AP
Trong khi đó, tiền mã hóa Eether giao dịch quanh mức 2.900 USD trong phiên ngày 21/5, sau khi giảm xuống mức thấp nhất còn 1.850 USD ở phiên hôm thứ Tư.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, các chỉ số chính đồng loại phục hồi trong phiên 20/5, sau 3 phiên giảm điểm liên tiếp, nhờ đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu công nghệ. Ngoài ra, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ ở mức thấp nhất cũng đã thúc đẩy tâm lý thị trường.
Chốt phiên ngày thứ Năm, chỉ số S&P 500 tăng gần 1,1% lên 4.159,12 điểm, trong đó nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn đầu trong 11 lĩnh vực. Chỉ số Nasdaq Composite nhích 1,8% lên mức 13.535,74 điểm khi cổ phiếu Microsoft, Facebook và Alphabet đều leo dốc hơn 1%. Cổ phiếu Netflix và Apple cũng tăng hơn 2%. Còn chỉ số Dow Jones cộng 188,11 điểm, khoảng 0,6%, lên mức 34.084,15 điểm.
Bộ Lao động Mỹ hôm 20/5 báo cáo số người lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần (kết thúc ngày 15/5) là 444.000 người - mức thấp nhất kể từ ngày 14/3/2020, và thấp hơn cả dự báo 452.000 người xin trợ cấp thất nghiệp từ các chuyên gia kinh tế  tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones.
Ông Mike Loewengart, giám đốc chiến lược đầu tư tại công ty môi giới E-Trade Financial nhận xét: "Số liệu xin trợ cấp thất nghiệp tuần vừa qua tiếp tục cho thấy nền kinh tế Mỹ đang đi đúng hướng. Mặc dù lạm phát là vấn đề được thị trường quan tâm nhiều nhất, song giới đầu tư nên lưu ý rằng FED đặt ra hai mục tiêu: Lạm phát và việc làm".
Mặc dù sàn Phố Wall khởi sắc trong phiên ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones vẫn mất 0,9% tính từ đầu tuần đến nay. Chỉ số này cũng sụt 1% trong tuần trước khi đà leo dốc của chứng khoán Mỹ chững lại. Chỉ số S&P 500 cũng mất 0,4% trong tuần này, còn Nasdaq Composite đang trên đà chứng kiến mức tăng nhẹ trong tuần./.