Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ kỳ vọng lạm phát lắng dịu, Dow Jones nhảy vọt gần 400 điếm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ khởi sắc trong phiên đầu tuần nhờ đà sự sụt giảm của lợi suất trái phiếu kho bạc và kỳ vọng chỉ số CPI tháng 1 ổn định sẽ thúc đẩy Fed thay đổi chính sách về lãi suất.

Chứng khoán Mỹ khởi sắc trong phiên ngày 13/2. Ảnh: Reuters
Chứng khoán Mỹ khởi sắc trong phiên ngày 13/2. Ảnh: Reuters

Theo CNBC, chốt phiên ngày 13/2, chỉ số Dow Jones vọt 376,66 điểm (tương đương 1,11%) lên 34.245,93 điểm, ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 2 này. Chỉ số S&P 500 cộng 1,14% lên mức 4.137,29 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite leo dốc 1,48% đạt 11.891,79 điểm.

Dẫn đầu phiên khởi sắc của chỉ số Dow Jones là cổ phiếu Microsoft với mức tăng 3,1%. Nike và Salesforce cộng 2,4% mỗi cổ phiếu, cũng góp phần quan trọng vào đà tăng của chỉ số. Bên cạnh đó, cổ phiếu Intel cũng tăng 2,7%.

Các nhà đầu tư trên sàn Phố Wall đang chờ báo cáo chỉ số tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023 sẽ được thông báo vào thứ Ba tuần này, cùng với số liệu doanh số bán lẻ để đánh giá lại các kỳ vọng vào động thái chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Hiện tại, thị trường đang đặt cược rằng báo cáo CPI này cho thấy lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục xu hướng hạ nhiệt kể từ sau khi lập đỉnh vào mùa hè năm ngoái, và Fed sẽ tiến tới tạm dừng tăng lãi suất hoặc thậm chí cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Tuy nhiên, sự kết hợp tích cực giữa phục hồi sản xuất công nghiệp và lạm phát giảm có thể tiêu tan vào mùa hè, đặc biệt là khi tác động trễ của việc nâng lãi suất của ngân hàng trung ương làm thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu.

Chuyên gia kinh tế Ray Farris tại ngân hàng Credit Suisse nhận định với CNBC: “Sự kết hợp hoàn hảo của sản xuất công nghiệp phục hồi và lạm phát hạ nhiệt trong quý này đang thúc đẩy tâm lý lựa chọn tài sản rủi ro và cổ phiếu”.  

Nếu số liệu lạm phát công bố ngày 14/2 cao hơn dự kiến, nhà đầu tư sẽ lo ngại Fed cần nâng lãi suất lên cao hơn, gây áp lực giảm đối với giá cổ phiếu.

“Thị trường đang bắt đầu cảm thấy rằng câu chuyện giảm phát mà giới đầu tư kỳ vọng thực ra phức tạp hơn chúng ta tưởng rất nhiều” – nhà kinh tế trưởng Mohamed El-Erian của Allianz nói với CNBC.

Trong khi đó, Thống đốc Fed Michelle Bowman hôm 13/2 cho biết ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ cần tiếp tục nâng lãi suất để đưa lãi suất lên mức đủ cao để làm giảm lạm phát.

Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones dự báo CPI tháng 1/2023 sẽ tăng 0,4% so với tháng 12/2022 và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2022 ở Phố Wall đang dần kết thúc, với Coca-Cola, Marriott, Cisco, Marathon và Paramount sẽ công bố báo cáo trong tuần này. Hiện tại kết quả kinh doanh của các công ty Mỹ kém khả quan hơn dự báo, đánh dấu mùa báo cáo tài chính tệ nhất của thị trường chứng khoán Mỹ trong hơn 2 thập kỷ nếu không tính đến những giai đoạn suy thoái, theo Credit Suisse.

Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ vừa chứng kiến tuần giảm điểm hồi tuần trước. Chỉ số Dow Jones giảm 0,17%, còn S&P 500 mất 1,11% và Nasdaq Composite sụt 2,41% trong tuần trước, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2022.

Đầu tháng 2 này, Chủ tịch Fed Jerome Powell công nhận tình trạng thiểu phát đang diễn ra tại Mỹ, tức là lạm phát đang giảm xuống. Tuy nhiên, ông Powell cũng cảnh báo Fed vẫn sẽ cần nâng lãi suất để đưa lạm phát về mức mục tiêu dài hạn 2%.