KTĐT - Các chỉ số chứng khoán Mỹ mất điểm nhẹ trong phiên giao dịch 15/2, sau báo cáo doanh số khu vực bán lẻ trong tháng 1 thấp hơn dự báo của giới phân tích.
Chốt phiên giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 41,55 điểm (-0,34%) xuống 12.226,60 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 4,31 điểm (-0,32%) xuống 1.328,01 điểm. Chỉ số Nasdaq hạ 12,83 điểm (-0,46%) xuống 2.804,35 điểm.
Số cổ phiếu giảm điểm trội hơn số tăng điểm trên cả hai sàn New York và Nasdaq với tỷ lệ 8/5.
Khối lượng chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq đạt khoảng 7,1 tỷ cổ phiếu, dưới mức trung bình hàng ngày 8,47 tỷ cổ phiếu ghi nhận trong năm 2010.
Hôm qua thị trường đón nhận tin xấu về thị trường bán lẻ. Số liệu công bố cho thấy doanh số bán lẻ Mỹ trong tháng 1 tăng trưởng thấp hơn dự tính của giới phân tích, trong khi chỉ số sản xuất tại New York tăng lên mức cao nhất trong 8 tháng.
Trong khi đó, theo báo cáo của Mỹ, chi phí nhập khẩu hàng hóa vào nước này trong tháng 1 tăng nhanh hơn dự báo của các chuyên gia do giá hàng hóa như nhiên liệu hay thực phẩm đều tăng mạnh.
Chi phí nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2011 tăng 1,5% so với tháng trước đó sau khi tăng 1,2% trong tháng 12/2011. Các chuyên gia dự báo về mức tăng 0,8%.
"Ngày càng có nhiều công ty lo ngại về chi phí đầu vào", Kim Caughey Forrest, nhà phân tích cao cấp thuộc tậo đoàn Fort Pitt Capital có trụ sở ở Pittsburgh nhận xét.
Nhóm cổ phiếu năng lượng và nguyên vật liệu cơ bản dẫn đầu mức giảm điểm trong phiên giao dịch tệ hại nhất của chỉ số S&P 500 kể từ ngày 28/1. Chỉ số S&P năng lượng giảm mạnh 1,1%.
Trong số các mã giảm điểm, đáng chú ý là cổ phiếu của tập đoàn JDS Uniphase giảm tới 10,2% xuống 25,05 USD, Exxon Mobil giảm 2,3% xuống 82,97 USD từ mức tăng 2,5% trong phiên giao dịch liền trước.
Khu vực chứng khoán châu Âu tiếp tục trồi sụt. Chỉ số FTSE 100 của Anh hạ 0,38% xuống 6.037,08 điểm, trong lúc chỉ số DAX của Đức tăng 0,05% lên 7.400,04 điểm và CAC 40 của Pháp tăng 0,33% lên 4.110,34 điểm.
Các thị trường chứng khoán châu Á cũng cho kết quả đan xen tăng giảm trong phiên giao dịch ngày 15/2, sau số liệu từ Trung Quốc cho thấy lạm phát của nước này tiếp tục nương giá thực phẩm đi lên trong tháng đầu năm.
Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng nhẹ 0,1 điểm lên 2.899,24 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 21,13 điểm lên 10.746,70 điểm, mức cao nhất trong 10 tháng qua. Chỉ số Taiex của Đài Loan tăng 36,46 điểm lên 8.721,93 điểm.
Ở chiều ngược lại, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông dẫn đầu mức giảm, với 221,28 điểm xuống 22.899,80 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc hạ nhẹ 4,07 điểm xuống 2.010,52 điểm, do suy yếu của nhóm cổ phiếu ôtô. Chỉ số Straits Times của Singapore mất 23,76 điểm xuống 3.080,66 điểm.
Thị trường | Chỉ số | Phiên trước | Đóng cửa | Tăng/giảm (điểm) | Tăng/giảm (%) |
Mỹ | Dow Jones | 12.268,20 | 12.226,60 | 41,55 | 0,34 |
S&P 500 | 1.332,32 | 1.328,01 | 4,31 | 0,32 | |
Nasdaq | 2.817,18 | 2.804,35 | 12,38 | 0,46 | |
Anh | FTSE 100 | 6.060,09 | 6.037,08 | 23,01 | 0,38 |
Pháp | CAC 40 | 4.096,62 | 4.110,34 | 13,72 | 0,33 |
Đức | DAX | 7.396,63 | 7.400,04 | 3,41 | 0,05 |
Nhật Bản | Nikkei 225 | 10.725,50 | 10.746,70 | 21,13 | 0,20 |
Hồng Kông | Hang Seng | 23.121,10 | 22.899,80 | 221,28 | 0,96 |
Trung Quốc | Shanghai Composite | 2.899,13 | 2.899,24 | 0,10 | 0,00 |
Đài Loan | Taiwan Weighted | 8.685,47 | 8.721,93 | 36,46 | 0,42 |
Hàn Quốc | KOSPI Composite | 2.014,59 | 2.010,52 | 4,07 | 0,20 |
Singapore | Straits Times | 3.104,42 | 3.080,66 | 23,76 | 0,77 |
Nguồn: CNBC, Market Watch. |