Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ phục hồi ấn tượng, Dow Jones tăng vọt

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ giao dịch khởi sắc khi lo ngại về khủng hoảng ngân hàng lắng dịu.

Chứng khoán Mỹ nhuộm sắc xanh khi đóng cửa phiên ngày 29/3. Ảnh: AP
Chứng khoán Mỹ nhuộm sắc xanh khi đóng cửa phiên ngày 29/3. Ảnh: AP

Các chỉ số chính của sàn Phố Wall phủ sắc xanh trong ngày 29/3, nhóm công nghệ tăng mạnh giúp chỉ số Nasdaq Composite phục hồi mạnh. 

Theo CNBC, chốt phiên ngày thứ Tư, chỉ số Dow Jones tăng 323,35 điểm (tương đương 1%) lên 32.717,60 điểm, chỉ số S&P 500 cộng 1,4% lên 4.027,81 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite nhích gần 1,8% lên 11.|926,24 điểm.

Cổ phiếu các công ty công nghệ vốn hóa lớn đồng loạt leo dốc trong phiên này, như Meta và Netflix tăng hơn 2%, Apple tăng gần 2%, còn Amazon tăng hơn 3%.

Cổ phiếu chip Micron vọt hơn 7% sau khi hãng công bố kết quả kinh doanh quý, cho dù bút toán giảm 1,4 tỷ USD giá trị hàng tồn kho bởi nhà đầu tư hài lòng khi vấn đề này đang cải thiện. Các cổ phiếu chip khác tăng theo Micron, như Nvidia tăng 2% và AMD tăng 1,6%.

Sắc xanh cũng được ghi nhận ở các cổ phiếu ngân hàng toàn cầu. Chứng chỉ quỹ SPDR S&P Regional Banking ETF cộng khoảng 1%. Cổ phiếu những ngân hàng lớn như Citigroup và Goldman Sachs đều chốt phiên trong trạng thái đi lên.

Thời gian gần đây, cổ phiếu công nghệ và ngân hàng là những nhóm bị bán mạnh nhất do lo ngại về lãi suất tăng và khủng hoảng hệ thống. Tuy nhiên, hiện quan ngại về “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng đã tạm dịu đi. Nhờ vậy, các cổ phiếu này hồi phục và đưa thị trường lên theo.

Tiếp tục phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) còn phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng phiên này. Lợi suất của trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng nhẹ lên mức 3,57%, lợi suất của kỳ hạn 2 năm tăng lên 4,09%.

Phát biểu trên CNBC, chuyên gia Art Hogan của B. Riley Wealth Management nhận định rằng việc lợi suất trái phiếu Mỹ ổn định hơn đã tạo lực đẩy cho thị trường cổ phiếu trong phiên ngày 29/3.

Lợi tức trái phiếu kho bạc đã chứng kiến sự biến động chưa từng có hồi đầu tháng do lo ngại về chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh hơn và lâu hơn của Fed. Lợi suất của kỳ hạn 2 năm có thời điểm trong tháng đã nhảy vọt lên hơn 5%, sau đó giảm dần về mức 3,5%.

Trước đó, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng giảm điểm trong phiên ngày 28/3, khi nhà đầu tư lo ngại lãi suất tăng có thể đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái cho dù cuộc khủng hoảng ngân hàng có vẻ đã được khống chế.

Chủ tịch Ed Yardeni của Yardeni Research đánh giá: “Mỗi ngày trôi qua mà không có thêm thứ gì đổ vỡ là một ngày tốt”. Ông nói thêm rằng vụ sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) có thể đã là sự đổ vỡ lớn nhất và cuối cùng trong hệ thống ngân hàng, và điều này giúp nhà đầu tư tin tưởng Fed kiểm soát được rủi ro lây lan.

Trả lời câu hỏi của các nghị sĩ Mỹ về sự sụp đổ của SVB, Phó Chủ tịch Giám sát của Fed Michael Barr ngày 29/3 cho rằng cả các lãnh đạo của ngân hàng này, các quan chức giám sát của Fed và các cơ quan quản lý khác đều có trách nhiệm trong vụ việc này.

Trong khi đó, Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) khẳng định cơ quan này có đầy đủ quy định để giám sát hiệu quả hoạt động của các ngân hàng vừa phá sản trong thời gian gần đây.

Sự sụp đổ của SVB và ngân hàng Signature đã khiến giới đầu tư mất niềm tin vào lĩnh vực ngân hàng, khiến các thị trường chứng khoán chao đảo và dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính sâu rộng.

Những người gửi tiền đã cố gắng rút hơn 42 tỷ USD khỏi SVB chỉ trong một ngày, khiến các nhà quản lý kinh ngạc và gây ra làn sóng rút tiền ở các ngân hàng khác. Ông Barr đánh giá đây là đợt rút tiền ồ ạt bất thường với quy mô và tốc độ chưa từng thấy, khiến các bên liên quan không kịp phòng vệ.