Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ trái chiều, Dow Jones vẫn có chuỗi tăng điểm dài nhất từ 12/2023

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - S&P 500 và Dow Jones tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực trong ngày 7/5 khi thị trường tìm kiếm thêm dấu hiệu về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu hạ lãi suất.

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ trái chiều trong phiên 7/5. Ảnh: MSN
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ trái chiều trong phiên 7/5. Ảnh: MSN

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số Dow Jones cộng 31,99 điểm (tương đương 0,08%) lên 38.884,26 điểm. Chỉ số này đã tăng phiên thứ 5 liên tiếp và đánh dấu chuỗi leo dốc dài nhất kể từ tháng 12/2023. Chỉ số S&P 500 cũng tăng 0,13% đạt mức 5.187,70 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite sụt 0,1% xuống còn 16.332,56 điểm.

Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall đã khởi sắc trong những phiên gần đây, khi báo cáo việc làm tháng 4 kém khả quan giúp xoa dịu mối lo nền kinh tế Mỹ tăng trưởng quá nóng.

Ngoài ra, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng bác bỏ khả năng tăng lãi suất thêm lần nữa. Tuy nhiên, lo ngại về lãi suất của nhà đầu tư chưa thực sự được xóa bỏ, bởi họ còn chưa chắc chắn về thời điểm Fed bắt đầu hạ lãi suất và sẽ có bao nhiêu đợt giảm trong năm nay.

Theo chiến lược gia trưởng cổ phiếu toàn cầu Quincy Krosby của LPL Financial, giới đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng sau bình luận mới nhất của Chủ tịch Fed Powell.

Bà Krosby cũng đang theo dõi khối lượng giao dịch lớn trong những ngày thị trường tăng giá, một dấu hiệu cho thấy niềm tin của thị trường đã được cải thiện sau những khó khăn vừa qua. 

“Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ và tốc độ tăng giảm của lợi suất đều có ý nghĩa rất quan trọng đối với thị trường cổ phiếu. Nếu cảm thấy lợi suất giảm nhanh, thị trường sẽ có cảm nhận rằng có lẽ nền kinh tế đang giảm tốc nhanh hơn” - chuyên gia Krosby lưu ý thêm.

Đồng quan điểm, chiến lược gia danh mục đầu tư Garrett Melson tại Natixis Investment Manager Solutions nhận định với Reuters: “Tôi nghĩ rằng tâm lý giới đầu tư trên sàn Phố Wall chủ yếu nghiêng về xu hướng nắm giữ cổ phiếu và túc tắc mua thêm cho đến khi có những dữ liệu kinh tế lớn được công bố vào tuần tới.

Theo kế hoạch, chỉ số giá sản xuất (PPI) dự kiến công bố vào ngày 14/5 và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ có vào ngày 15/5.

Trong ngày 7/5, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục giảm xuống còn khoảng 4,45%. Tuy nhiên, đà tăng điểm trên thị trường bị hạn chế do cổ phiếu Disney sụt 9,5% sau khi “ông lớn” ngành giải trí và truyền thông công bố doanh thu thấp hơn dự báo.

Cổ phiếu của công ty công nghệ quốc phòng Palantir mất 15% do triển vọng yếu hơn dự báo. Cổ phiếu Peloton cũng giảm 15,5% khi có thông tin rằng công ty cổ phần tư nhân đang xem xét việc mua lại công ty thể hình, 

Nhìn chung, Fed và các nhà hoạch định chính sách đã nhất quán trong thông điệp của họ trong những tuần gần đây, rằng việc nới lỏng chính sách sẽ xảy ra trong năm nay và Fed sẽ thận trọng trong hành động.

Theo ứng dụng xác suất lãi suất của Sở Giao dịch chứng khoán London (LSEG), các nhà giao dịch đang dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất tổng cộng  46 điểm cơ bản vào cuối năm 2024, trong đó lần giảm lãi suất đầu tiên được thực hiện vào tháng 9 và một đợt khác vào tháng 12.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari hôm 7/5 bày tỏ hy vọng rằng Fed sẽ duy trì lãi suất hiện tại trong thời gian dài và không loại trừ khả năng sẽ thắt chặt hơn nếu các chỉ số lạm phát tăng cao.

“Kịch bản khả thi nhất là chúng ta sẽ duy trì lãi suất cao trong một thời gian lâu hơn cho đến khi có thông tin rõ ràng về tiến trình giảm lạm phát” - ông Kashkari nói. 

Theo vị quan chức của Fed, việc hạ lãi suất có thể xảy ra nếu lạm phát bắt đầu trở lại mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Mỹ. Tuy nhiên, ông cho rằng kịch bản này khó có thể xảy ra trong năm nay.