Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ trái chiều dù chỉ số Nasdaq Composite lập kỷ lục

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần trong trạng thái không đồng nhất khi nhà đầu tư phản ứng trước những phát biểu cứng rắn về chính sách của giới chức Fed.

Chỉ số Nasdaq Composite lập kỷ lục mới trong phiên ngày 20/5. Ảnh: Mybanktracker.com
Chỉ số Nasdaq Composite lập kỷ lục mới trong phiên ngày 20/5. Ảnh: Mybanktracker.com

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 20/5, chỉ số Nasdaq Composite leo dốc 0,65% lên mức đóng cửa cao kỷ lục 16.794.87 điểm sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại trong phiên. Chỉ số S&P 500 cộng 0,09% lên mức 5.308,13 điểm. Trong khi đó, Dow Jones sụt 196,82 điểm (tương đương 0,49%) về mức 39.806,77 điểm.

Trong phiên đầu tuần, cổ phiếu ngân hàng JPMorgan lao dốc 4,5% khi Giám đốc điều hành Jamie Dimon ra tín hiệu trong cuộc họp đầu tư thường niên của ngân hàng rằng việc nghỉ hưu của ông có thể sớm hơn tuyên bố trước đó. Ông Dimon cũng thông báo, JPMorgan sẽ không mua lại cổ phiếu ở mức giá hiện tại. Cổ phiếu JPMorgan đã giảm tới 15% từ đầu năm đến nay.

Trong tuần này, các cổ phiếu liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thu hút sự chú ý của giới đầu tư Phố Wall. Vào chiều ngày 22/5, Nvidia sẽ công bố kết quả kinh doanh trong quý 1.

Cổ phiếu Nvidia tăng hơn 2% trong ngày 20/5 sau khi một loạt nhà phân tích đưa ra nhận định lạc quan cho hãng chip bán dẫn này. Một số công ty trên sàn Phố Wall dự báo cổ phiếu này có thể tăng thêm 30% so với hiện tại.

Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu Nvidia đã tăng 91,4%. Nếu so với 12 tháng trước, Nvidia nhảy vọt tới 203,2%. Vốn hóa thị trường của Nvidia hiện lớn thứ ba trong nhóm chỉ số S&P 500, đạt 2.300 tỷ USD.

Chứng khoán Mỹ vừa chứng kiến một tuần giao dịch bùng nổ, với S&P 500 có chuỗi tăng 4 tuần liên tiếp, trong khi Dow Jones là 5. Cả ba chỉ số chính đều đã lên mức kỷ lục mới trong tuần trước, đồng thời Dow Jones lần đầu tiên vượt ngưỡng 40.000 điểm. 

Chiến lược gia Vincent Heaney của ngân hàng UBS nói rằng thị trường cổ phiếu vẫn có nhiều dư địa đi lên trong dài hạn sau khi liên tục phá kỷ lục.

“Mặc dù vẫn phải đối mặt nhiều rủi ro kinh tế và địa chính trị, chúng tôi cho rằng tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận vững chắc, triển vọng cắt giảm lãi suất và vốn đầu tư ngày càng lớn vào AI sẽ tạo ra nền tảng hỗ trợ cho thị trường chứng khoán trong phần còn lại của năm” - ông Heaney lưu ý trong một báo cáo.

Tuy nhiên, trong những phiên gần đây, kỳ vọng của giới đầu tư rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9 đang lung lay sau những phát biểu thận trọng của các quan chức Fed về tiến trình giảm lạm phát.

Trong bài phát biểu hôm 20/5, Phó Chủ tịch Fed Philip Jefferson cho biết, hiện còn quá sớm để kết luận sự giảm lạm phát có bền vững hay không.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch phụ trách giám sát của Fed Michael Barr nói rằng chính sách tiền tệ thắt chặt cần duy trì thêm một thời gian.

Đồng thời, ông Barr cũng củng cố thông điệp cứng rắn của Fed rằng việc cắt giảm lãi suất, vốn được thị trường rất mong đợi, sẽ được tạm dừng cho đến khi rõ ràng lạm phát sẽ quay trở lại mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Mỹ.

Các phát biểu mới nhất của hai ông Jefferson và Barr khiến giới đầu tư cổ phiếu lo ngại Fed khó sớm giảm lãi suất như các kỳ vọng vừa được nhen nhóm trở lại trong những tuần trước đó.

Trước đó, bà Loretta Mester - Thống đốc Fed chi nhánh Cleveland đã nhận định, lạm phát tại Mỹ sẽ tiếp tục giảm xuống trong năm nay nhưng ở mức chậm hơn so với các kỳ vọng trước đây.

Theo dữ liệu của CME FedWatch Tool, sau các tuyên bố mới nhất của giới chức Fed, thị trường hiện đánh giá 89% khả năng Fed sẽ chỉ thực hiện duy nhất 1 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Trước đó, phần lớn giới đầu tư kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 9 tới và sẽ có 2 đợt giảm lãi suất trong năm nay.

Trong khi đó, Bank of America ngày 20/5 nhận định, thời điểm Fed bắt đầu đảo chiều chính sách thắt chặt hiện tại có thể còn rất lâu mới diễn ra dù số liệu CPI tháng 4 hạ nhiệt.

Chuyên gia kinh tế toàn cầu Claudio Irigoyen của Bank of America cho hay: “Kỳ vọng của thị trường về việc Fed sẽ giảm lãi suất tổng cộng 50 điểm cơ bản trong năm nay sẽ khó trở thành hiện thực khi lạm phát trong quý 1 vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% của ngân hàng Trung ương Mỹ. Hơn nữa, nền kinh tế vẫn tăng trưởng vững chắc, đặc biệt là thị trường lao động”.