KTĐT - Kết thúc ngày giao dịch 11/11, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 73,94 điểm (-0,65%) xuống 11.283,10 điểm. S&P 500 trượt 5,17 điểm (-0,42%) xuống 1.213,54 điểm.
Cổ phiếu công nghệ giảm sâu sau dự báo lợi nhuận của Cisco, khiến chứng khoán Mỹ phiên hôm qua trượt dốc, bỏ xa mốc 11.300 điểm. Những thông tin đáng lo ngại về khủng hoảng nợ công ở châu Âu cũng đè nặng lên tâm lý vốn không ổn định của nhà đầu tư.
Kết thúc ngày giao dịch 11/11, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 73,94 điểm (-0,65%) xuống 11.283,10 điểm. S&P 500 trượt 5,17 điểm (-0,42%) xuống 1.213,54 điểm. Nasdaq hạ 23,26 điểm (-0,9%) xuống 2.555,52 điểm.
Khối lượng giao dịch trên cả 3 sàn New York, American và Nasdaq chỉ đạt 7,8 tỷ cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với mức trung bình hàng ngày 8,72 tỷ cổ phiếu từ đầu năm tới nay.
Các chỉ số chính giảm điểm mạnh ngay từ đầu phiên, sau thông tin không mấy lạc quan từ hãng công nghệ Cisco. Theo công bố của hãng này, tuy lợi nhuận quý 3 vượt dự báo nhưng triển vọng doanh thu quý 4 dự kiến chỉ tăng khoảng 3-5% và cả năm 2011 ở mức 9-12%.
Đây là quý thứ 2 liên tiếp, Cisco hạ dự báo doanh thu. Cổ phiếu Cisco trượt mạnh 16,2%, mạnh nhất kể từ tháng 7/1994 tới nay. Thông tin từ Cisco cũng tác động lớn tới các cổ phiếu công nghệ khác như Microsoft và HP, trong đó riêng cổ phiếu HP giảm 2,4%.
Từ cuối tháng 8 tới trước phiên hôm qua, nhóm cổ phiếu công nghệ thuộc S&P 500 đã đạt mức tăng 16%, mạnh nhất trong số các nhóm ngành. Lãi ròng quý 3 của nhóm doanh nghiệp công nghệ thuộc chỉ số này đã tăng 52% so với cùng kỳ năm trước.
Hôm qua, thị trường cũng đón nhận thêm tin xấu từ khu vực châu Âu. Theo hãng nghiên cứu Markit, những lo lắng về cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng Euro đã khiến chi phí bảo hiểm nợ quốc gia của Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha tăng lên các mức cao kỷ lục trong ngày 11/11.
Chênh lệch lợi suất của các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) kỳ hạn 5 năm của Bồ Đào Nha tăng từ 4,91% trong ngày 10/11 lên 5.05%. Theo Markit, đây là lần đầu tiên chênh lệch lợi suất CDS vượt mốc 5%.
Điều này đồng nghĩa với việc phải tiêu tốn 505.000 USD/năm để bảo hiểm cho 10 triệu USD nợ công Bồ Đào Nha trong vòng 5 năm tới. Chênh lệch lợi suất CDS kỳ hạn 5 năm của Ireland cũng tăng lên 6,2%, của Tây Ban Nha lên 2,79%, của Hy Lạp tăng lên 8.9%.
Thị trường châu Âu chốt phiên với kết quả đan xen. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 1,71 điểm xuống 5.815,23 điểm. CAC 40 của Pháp trượt 21,10 điểm xuống 3.867,35 điểm, trong khi DAX của Đức tăng 3,57 điểm lên 6.723,41 điểm.
Trong khi đó, đa số các thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 11/11 giữa bối cảnh giá cả hàng hóa leo thang và Tổng thống Obama kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 hợp tác để thúc đẩy đà phục hồi kinh tế.
Hôm qua, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã nâng bậc tín dụng nợ của Trung Quốc từ A1 lên xếp hạng cao thứ tư Aa3 và cho biết sẽ duy trì triển vọng tích cực đối với nợ của quốc gia này.
Cùng ngày, Cơ quan Thống kê Trung Quốc công bố, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 của nước này bất ngờ tăng tới 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức cao nhất trong 25 tháng và vượt xa mức dự báo 4% của giới phân tích.
Chốt phiên 11/11, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,31%, Straits Times của Singapore tăng 0,13%, Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 1,04%, Hang Seng của Hồng Kông tăng 0,82%. Ở chiều ngược lại, Kospi của Hàn Quốc giảm 2,7%, Taiex của Đài Loan giảm 0,16%.