Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/7, chỉ số Dow Jones tăng 247,15 điểm (tương đương 0,62%) lên 40.000,90 điểm. Chỉ số này có thời điểm trong phiên giao dịch đã tăng lên mức cao mọi thời đại mới là 40.257,24 điểm.
Đây là lần đầu tiên Dow Jones tái lập mốc 40.000 điểm kể từ tháng 5, và kết quả này có được một phần nhờ đà tăng mạnh của cổ phiếu Home Depot.
Với mức tăng 1,7% trong ngày thứ Sáu, cổ phiếu hãng bán lẻ sản phẩm nâng cấp nhà cửa này nhảy vọt 7,5% trong tuần. Cổ phiếu hãng thiết bị công nghiệp Caterpillar cũng cộng 1,4% trong phiên giao dịch ngày 12/7.
Chỉ số S&P 500 nhích 0,55%, chốt ở mức 5.615,35 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng tăng 0,63%, đạt 18.398,45 điểm.
Trong phiên trước, giới đầu tư đẩy mạnh bán ra cổ phiếu vốn hóa lớn để chuyển vốn sang những nhóm cổ phiếu vốn không được quan tâm suốt thời gian qua. Sự dịch chuyển này giúp Dow Jones tăng nhẹ trong phiên ngày thứ Năm, trong khi cả S&P 500 và Nasdaq Composite đều giảm điểm.
Sang phiên giao dịch ngày thứ Sáu, các nhà đầu tư tiếp tục đổ xô vào những cổ phiếu công nghiệp trong Dow Jones với hy vọng lạm phát chậm lại sẽ kéo theo việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 9.
Ông David Russell - Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu tại TradeStation, nói với đài CNBC: “Câu chuyện về sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) có sức chi phối lớn đối với thị trường, nhưng đó không phải yếu tố duy nhất trên thị trường hiện tại. Phiên điều trần tại Quốc hội của Chủ tịch Fed Jerome Powell trong tuần này và báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhắc nhở nhà đầu tư rằng còn có những chất xúc tác khác thúc đẩy phần còn lại của thị trường”.
Theo chuyên gia Russell, lĩnh vực tiện ích là nhóm cổ phiếu có thể hưởng lợi nhiều từ việc giảm lãi suất.
Theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày thứ Sáu, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) - thước đo lạm phát bán buôn - tăng 0,2% trong tháng 6 so với tháng trước, cao hơn mức dự báo tăng 0,1% mà giới chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters. Trong tháng 5, chỉ số này đi ngang so với tháng 4.
Tuy báo cáo PPI nóng hơn kỳ vọng song thị trường Phố Wall đã không chịu nhiều ảnh hưởng từ dữ liệu kinh tế này.
Dữ liệu được công bố hôm 11/7 cho thấy CPI tháng 6 thấp hơn so với tháng trước đó và lần đầu tiên giảm sau hơn 4 năm. Số liệu tích cực này càng củng cố khả năng Fed sớm cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Cụ thể, trong tháng 6/2024, chỉ số CPI, một thước đo rộng về chi phí hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế, giảm 0,1% so với tháng 5 và nếu so với cùng kỳ, chỉ số này chỉ còn tăng 3%.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng hơn 93% Fed hạ lãi suất vào tháng 9.
Tính chung trong tuần, chỉ số Dow Jones leo dốc 1,6%, S&P 500 cộng 0,9% và Nasdaq tăng 0,2%.
Trong ngày 12/7, chỉ số Russell 2000 của cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng phiên thứ ba liên tiếp với mức tăng 1,1%, nâng mức tăng của cả tuần lên 6%.
Chuyên gia Patrick Palfrey của Ngân hàng UBS nhận định, xu hướng chuyển dịch từ nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn sang các cổ phiếu nhỏ khác có thể kéo dài trong vòng 1 tháng tới.
Thị trường Phố Wall cũng đã xem xét báo cáo kết quả kinh doanh của hai “ông lớn” ngân hàng. Cổ phiếu JPMorgan giảm 1,2% bất chấp việc ngân hàng này công bố kết quả kinh doanh quý 2 cao hơn dự báo.
Cổ phiếu Citi cũng mất 1,8% dù ngân hàng đã vượt kỳ vọng cả doanh thu, lợi nhuận quý 2. Cổ phiếu Wells Fargo giảm tới 6%, sau khi cho biết thu nhập lãi thuần thấp hơn kỳ vọng trong quý 2.
Trong một diễn biến khác, cổ phiếu chip Nvidia phục hồi 1,4% sau khi các nhà đầu tư quay lại mua vào những cổ phiếu đã bị bán tháo. Mức tăng gần 18% của S&P 500 phần lớn vẫn được dẫn dắt bởi cổ phiếu công nghệ.