Cơn gió ngược cản bước sự tiên phong
Báo cáo Chiến lược thị trường tháng 5 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 4 đã đánh mất chuỗi tăng điểm sau 5 tháng với mức điều chỉnh mạnh nhất kể từ đầu năm.
Theo các chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt, những biến động bên ngoài về chính sách tiền tệ, cũng như biến chuyển mới về địa chính trị ở Trung Đông đã ảnh hưởng đến tỷ giá Đô - Đồng và gián tiếp ảnh hướng đến tâm lý giao dịch của nhà đầu tư.
Tâm lý thị trường sau đó đã ghi nhận sự phục hồi nhẹ trở lại khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có những hành động quyết liệt hơn để ổn định tỷ giá. Trong đó gồm: nâng nền lãi suất thị trường liên ngân hàng bằng cách bơm hút ròng nhằm mục đích duy trì lượng thanh khoản vừa đủ cho hệ thống; bán USD giao ngay tại mức giá 25.450 đồng/USD. Ngoài ra, kết quả kinh doanh quý 1/2024 ghi nhận mức tăng trưởng khả quan (LNST của VN-Index tăng 11% so với cùng kỳ) cũng cố thêm cho sự phục hồi nhẹ vào cuối tháng của chỉ số VN-Index.
Các nhóm ngành trong tháng đa số đều giảm điểm. Trong đó, bất động sản (-9,4%) và vật liệu (-7.79%) là hai cái tên dẫn đầu đà giảm. Còn nhóm công nghệ (+5,03%) dẫn đầu đà tăng. Theo sau là nhóm ngành tiêu dùng không thiết yếu (+2,1%).
Các nhà đầu tư cá nhân mua ròng đáng kể với 4.135 tỷ đồng. Lũy kế mua ròng 12 tháng của nhóm nhà đầu tư cá nhân cũng tiếp tục nâng lên con số 39.174 nghìn tỷ đồng.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh trong tháng 4/2024 với con số 5.991 tỷ, giảm mạnh so với tháng trước. Nhìn chung đà bán ròng vẫn chưa dừng lại. Ngành Bán lẻ, Hàng & Dịch vụ Công nghiệp và Xây dựng và Vật liệu là những ngành được khối ngoại mua ròng mạnh trong tháng.
Nhóm nhà đầu tư tổ chức cùng với nhóm nhà đầu tư cá nhân mua ròng mạnh 1.856 tỷ đồng. Các cổ phiếu được nhà đầu tư tổ chức trong nước mua bán ròng đáng kể nhất phải kể đến FUEVFVND (2.089 tỷ đồng), VPB (1.049 tỷ đồng),…
Bước qua vùng trũng
Sự điều chỉnh của thị trường trong tháng 4 kết hợp với kết quả kinh doanh tăng trưởng quý 1/2024 tích cực, và triển vọng trong các quý còn lại làm định giá thị trường tháng 5 này trở nên hấp dẫn.
Về điểm số ở tháng 5, các nhà phân tích Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng VN-Index sẽ giao dịch trong biên độ 1.165 - 1.280. Trong kịch bản cơ sở, kết quả kinh doanh tích cực có thể giúp tâm lý giao dịch của thị trường đưa chỉ số về vùng đỉnh của năm 2024. Nếu những dữ liệu vĩ mô tiếp tục gây thất vọng cho kịch bản cắt giảm lãi suất hoặc những cơn gió ngược bất ngờ cũng có thể kích hoạt trạng thái điều chỉnh của thị trường.
Mùa đại hội cổ đông và công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024 của các doanh nghiệp niêm yết đang dần khép lại với số liệu tăng trưởng nhìn chung là khả quan so với cùng thời điểm năm trước.
Kết quả kinh doanh quý 1/2024 cho thấy, về tổng thể, thị trường vẫn duy trì động lực khả quan so với tốc độ tăng trưởng của cùng kỳ năm 2023. Theo đó, ước tính tăng trưởng LNST của VN-INdex đạt xấp xỉ 10%. Mức độ phục hồi có sự phân hóa và khá phù hợp với kế hoạch kinh doanh mà doanh nghiệp đề ra.
Với mức tăng trưởng lợi nhuận quý 1/2024 toàn thị trường là 10% và tăng trưởng lợi nhuận kế hoạch cả năm đạt trên 17%, định giá VN-Index nói chung và mặt bằng định giá cổ phiếu nói riêng đang ở mức hợp lý hơn cho việc mua và nắm giữ trung - dài hạn.
Thị trường chứng khoán tháng 5 dự kiến chưa có nhiều thông tin tích cực hỗ trợ. “Chúng tôi kỳ vọng chỉ số giằng co trong biên độ tương đương tháng 4. Nhóm cổ phiếu ưa thích của chúng tôi bao gồm: Ngân hàng (ACB, CTG, và MBB); Thép, hàng tiêu dùng và dịch vụ tiêu dùng (HSG, HPG, MWG, HAX, SCS và MSN)” - Chứng khoán Rồng Việt nêu trong báo cáo.
Theo đó, Chứng khoán Rồng Việt ước tính đã có khoảng 449 doanh nghiệp niêm yết, chiếm hơn 63% tổng vốn hóa sàn HSX và HNX công bố kế hoạch LNTT 2024. Mức tăng trưởng chung là 17,5% so với mức lỗ trước thuế 5,3% của nhóm doanh nghiệp này trong năm 2023.
Đối với 58 danh mục cổ phiếu phân tích của Chứng khoán Rồng Việt, có tới 48 doanh nghiệp đã lên kế hoạch tăng trưởng LNTT năm 2024 là 20% (so với mức lỗ 3% của năm 2023).