Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán thế giới tăng mạnh nhờ lạc quan về đàm phán thương mại Mỹ - Trung

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán Á - Âu đồng loạt tăng mạnh do được hỗ trợ từ kỳ vọng về tiến bộ trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung và biện pháp kích cầu từ các ngân hàng trung ương.

Chứng khoán châu Á gần chạm đỉnh 4 tháng
Trong phiên giao dịch ngày 19/2, các cổ phiếu tại thị trường châu Á đang ở gần mức cao nhất trong 4 tháng do nhà đầu tư lạc quan rằng các cuộc đàm phán thương mại Trung - Mỹ đang đạt được tiến bộ tích cực và kỳ vọng về kích thích chính sách từ các ngân hàng trung ương.
Sau vòng đàm phán thương mại cấp cao ở Bắc Kinh trong tuần trước, các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dự kiến tiếp tục ở Washington trong tuần này. Cả hai bên đã trình bày về những tiến triển sau 5 ngày đàm phán trong tuần trước.
Thị trường chứng khoán châu Á giao dịch khởi sắc trong phiên 19/2.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết có thể dời thời hạn tăng thuế quan lên hàng Trung Quốc từ ngày 1/3 nhằm tạo điều kiện để hai bên đi đến một thỏa thuận. Trước đó, Mỹ đã dọa nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nếu hai bên không tiến tới thỏa thuận thương mại trước hạn chót này.
Trong một báo cáo, các chiến lược gia tại Commonwealth Bank (Australia) cho biết: “Báo Mỹ và báo Trung Quốc đang ghi nhận những mức độ tiến triển hơi khác nhau về cuộc đàm phán thương mại trong ngày 15/2 và vào cuối tuần trước”.
Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản ít thay đổi ở đầu phiên này, vẫn duy trì gần mức cao nhất trong 4 tháng. Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 đi ngang.
Nhóm cổ phiếu Trung Quốc đại lục dẫn đầu đà leo dốc trên thị trường chứng khoán châu Á trong phiên ngày 19/2 nhờ thông tin đàm phán thương mại Mỹ-Trung dự kiến tiếp tục diễn ra ở Washington vào tuần này cũng như tiến triển từ các cuộc đàm phán cấp cao ở Bắc Kinh tuần trước. Chỉ số cổ phiếu của MSCI tại Trung Quốc hiện đã tăng 6,5%, ghi nhận mức leo dốc mạnh nhất tại thị trường chứng khoán châu lục.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đang quay trở lại với thị trường tài sản rủi ro nhiều hơn sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu hồi đầu năm này rằng ngân hàng này  có thể tạm dừng tăng lãi suất.
Biên bản cuộc họp gần nhất của FED dự kiến công bố vào ngày 20/2 đang được giới đầu tư chờ đón để xác định về đường đi chính sách tiền tệ của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 2019. Hiện đang có những đồn đoán cho rằng FED sẽ giảm tốc độ bán ra tài sản.
"Từ tháng 1 đến nay, các quan chức của FED đã có nhiều phát biểu ủng hộ sự ‘kiên nhẫn’. Bởi vậy mà biên bản của FED nhiều khả năng sẽ lặp lại thông điệp mềm mỏng", các nhà phân tích thuộc TD Securities nhận định.
Chứng khoán châu Âu lên mức cao nhất từ tháng 10/2018
Thị trường chứng khoán châu Âu tăng chạm đỉnh trong 4 tháng trong phiên 18/2, nhưng đà leo dốc của các cổ phiếu bị hạn chế phần nào từ đà giảm điểm của cổ phiếu các hãng xe lớn.
Chỉ số chứng khoán STOXX 600 tăng 0,2%, đạt mức cao nhất kể từ ngày 10/10/2018.
Cổ phiếu ôtô bị bán mạnh sau khi thống kê cho thấy doanh số thị trường xe Trung Quốc giảm 16% trong tháng 1, đánh dấu tháng giảm thứ 7 liên tiếp.
Thị trường chứng khoán châu Âu chạm mức cao nhất trong 4 tháng ở phiên 18/2.
Chốt phiên đầu tuần, nhóm cổ phiếu ôtô - một "hàn thử biểu" cho tình trạng của nền kinh tế châu Âu - giảm 0,4%. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngành này còn chịu áp lực giảm từ mối lo rằng một báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ sẽ dẫn tới việc nâng thuế quan áp lên ôtô và phụ tùng ôtô nhập khẩu vào Mỹ.
"Lạc quan về thương mại đang cao, nhưng các số liệu kinh tế lại yếu đi nhiều. Bởi vậy, mà thị trường vừa bị kéo xuống, vừa bị đẩy lên", nhà quản lý danh mục David Vickers thuộc Russell Investments nhận định.
Chốt phiên, chỉ số FTSE 100 tại London khép phiên giảm 0,2% xuống 7.219,47 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt của  Đức đi ngang và giữ ở mức 11.299,2 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Paris tăng 0,3% lên 5.168,54 điểm.
Các thị trường chứng khoán New York (Mỹ) đóng cửa nghỉ Ngày Tổng thống, và khối lượng giao dịch tại các sàn chứng khoán châu Âu thấp là do sự vắng mặt các nhà đầu tư Mỹ. 
Theo nhà phân tích Lukman Otunuga ở FXTM, yếu tố trên khiến các thị trường bước vào tuần mới khá trầm lắng thay vì sôi động, khi các nhà đầu tư dần lạc quan hơn trước khả năng tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.