Ngày 29/7, phát biểu thảo luật về tình hình kinh tế - xã hội trước Quốc hội, đại biểu Trần Công Thuật – Phó Bí thư thường trực tỉnh Quảng Bình đặc biệt quan tâm đến sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung thời gian qua. Theo đại biểu Thuật, sự cố môi trường biển do công ty Formosa gây ra ảnh hưởng xấu và tác động lớn đến đời sống nhân dân, đến an ninh, trật tự xã hội, đến lòng tin của người dân. Đại biểu nói”: “Ảnh hưởng sự cố môi trường đến Quảng Bình rất nặng nề và hết sức nghiêm trọng, kéo lùi sự phát triển của tỉnh, kể cả về kinh tế, xã hội an ninh trật tự bất ổn định và làm giảm lòng tin của nhân dân”.
Đại biểu Trần Công Thuật: “Chúng ta vừa cần tôm cá vừa cần thép, nhưng có cần Formosa 70 năm?” (Ảnh: Internet) |
Sự cố này làm cho nền kinh tế Quảng Bình điêu đứng, lòng dân không yên. Bà con Quảng Bình rất bức xúc, trước hành động gây ra sự cố môi trường vừa rồi của Formosa. Cử tri Quảng Bình đề nghị sớm thực hiện chính sách của Chính phủ hỗ trợ người dân trong vùng bị thiệt hại và khu vực liên quan. Hiện nay một số chính sách này vẫn chưa đến được với địa phương và người dân. Nhân dân và cử tri cũng mong muốn sớm được giải quyết những khó khăn về việc làm, về thu nhập, ổn định đời sống lâu dài một cách căn cơ để nhân dân an tâm. Đại biểu Trần Công Thuật cũng đề nghị công khai, minh bạch “cái gì nhân dân được đền bù, cái gì là Nhà nước đầu tư để khắc phục sự cố vừa qua”. Ngoài ra, bà con cử tri rất quan tâm đến việc làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố môi trường biển vừa qua, coi đây là bài học lớn, sâu sắc trong lĩnh vực đầu tư, ứng phó các sự cố môi trường, thiên tai trong phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, đảm phát triển bền vững. “Khi nhân dân cho rằng đây là sự cố rất nghiêm trọng và lo lắng thì một số đồng chí lãnh đạo, cơ quan chức năng phát biểu, trả lời thiếu khoa học, mơ hồ, cảm tính, không chính xác và thiếu thuyết phục khiến cho tình trạng càng phức tạp hơn”, đại biểu Trần Công Thuật bày tỏ Đại biểu Trần Công Thuật còn chỉ ra sai phạm của Formosa trong việc chôn lấp chất thải bừa bãi, đặt ống xả trái phép đã đẩy sự cố này đến mức độ nguy hại hơn. Cần sớm xử lý một cách cương quyết đối với những hành vi này. Đại biểu băn khoăn: “Không biết ảnh hưởng của hành vi này còn kéo dài bao nhiêu lâu nữa? Nhân dân và cử tri Quảng Bình mong muốn các cơ quan chức năng sớm làm rõ và trả lời rõ khi nào thì đánh cá vùng gần bờ được; khi nào thì yên tâm ăn hải sản được; khi nào thì môi trường biển an toàn. Đúng là, chúng ta vừa cần tôm cá, vừa cần thép nhưng có cần Formosa đến 70 năm không - một quả bom môi trường nằm sát kề khiến ai cũng lo lắng”. Đề cập đến việc trong báo cáo của Chính phủ về sự cố môi trường do Formosa gây ra có câu “đánh kẻ chạy đi, chứ không ai đánh người chạy lại”, đại biểu Thuật nêu bày tỏ: "Hiểu như thế nào trong trường hợp Formosa? Cử tri Quảng Bình đề nghị Chính phủ thay câu khác phù hợp hơn. Đây là đạo lý của người Việt Nam, nhưng không thể lạm dụng lòng tốt của người Việt Nam trong sự việc này được". Ngoài ra, đại biểu Trần Công Thuật còn đề nghị Chính phủ cần phải làm rõ trong báo cáo Formosa là ai, là cái gì? Tập đoàn thép này là ai, cổ đông nào có cổ phần chi phối để nhân dân biết, yên tâm hơn Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) chia sẻ, là đại biểu của 1 trong 4 tỉnh bị thiệt hại từ sự cố nên rất đồng cảm với bức xúc của cử tri. Báo cáo của Chính phủ đã nêu con số sơ bộ số người bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố Formosa lên đến hàng trăm ngàn, thiệt hại về hải sản nhiều ngàn tấn, chưa kể những tổng thiệt hại vô hình về môi trường, hệ sinh thái... Đời sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Còn gì buồn và lo lắng hơn khi người dân không ra khơi bám biển, phải đi tìm việc làm khác kiếm sống. Không chỉ ngư dân mà khách sạn, nhà hàng đình trệ, lượng khách du lịch tới Quảng Trị giảm còn 1/10 so với cùng kỳ năm 2015. Đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng mở rộng đối tượng thống kê thiệt hại trên tất cả các lĩnh vực để hỗ trợ thỏa đáng và công bằng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành Trung ương giám sát chặt chẽ các hoạt động của Fromosa để bảo đảm việc sản xuất của công ty này không ảnh hưởng đến môi trường trong tương lại. Đồng thời có biện pháp khôi phục lại hệ sinh thái ven bờ, trả lại ngư trường cho ngư dân. Đại biểu cũng cho rằng, việc quan trọng Quốc hội cần làm không chỉ cần tìm ra câu trả lời rõ ràng, minh bạch mà còn phải rà soát lại hệ thống vă bản pháp luật, ngăn chặn ngay từ ban đầu những nhà đầu tư có nguy cơ đe dọa đến đời sống của nhân dân và có cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân, kể cả người không còn đương chức.