KTĐT - Việt Nam trong năm 2009 đã có một bước chuyển mình lớn trong công tác bảo vệ người tiêu dùng. Đó là việc người dân đã ý thức được phải tự bảo vệ mình. Điều đó phản ánh một thực tế là người tiêu dùng càng ngày càng nắm rõ những quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, chỉ như thế vẫn chưa đủ, năm 2009 vẫn ghi đậm dấu ấn về những sự kiện tiêu dùng có một không hai tại Việt Nam.
Người tiêu dùng Việt Nam vẫn quá tin tưởng vào những lời quảng cáo có cánh của các doanh nghiệp. Chúng ta từng chứng kiến biển người ào ào xô đẩy trước cổng siêu thị điện máy, máy tính Trần Anh (Hà Nội) hay cảnh cả đoàn người vạ vật, la liệt xếp hàng từ đêm tại Parkson TP.HCM để lấy phiếu mua hàng Crazy Sale của Samsung Vina. Phiếu mua hàng giảm giá thì chưa thấy đâu, chỉ thấy dòng người ra về trong thất vọng và phẫn nộ với lời giải thích của Samsung Vina: “Nhằm đảm bảo an toàn của khách hàng và an ninh trong khu vực”.
Hay như hàng nghìn người chen lấn xô đẩy tạo nên cảnh tượng hỗn loạn tại Trung tâm thương mại Parkson TP.HCM để vào mua đồ khuyến mãi nhân "Lễ hội mua sắm Vip". Được biết nhà tổ chức đã thông báo sẽ giảm giá tất cả mặt hàng đến 70%, tặng phiếu mua sắm trị giá 600.000 đồng, phiếu giảm giá, dự tiệc nhẹ, điểm thưởng... nhưng trong lời quảng cáo không thấy nhắc đến là người tiêu dùng phải mua sản phẩm trị giá từ 1 triệu đồng mới được giảm 150.000 đồng. Muốn được giảm 600.000 đồng như quảng cáo thì người tiêu dùng phải mua từ 4 triệu đồng.
Nhưng kỳ quặc nhất có lẽ là cảnh 50.000 hộ dân tranh nhau nộp tiền điện. Cứ đến cuối tháng là 50.000 hộ dân lại phải tự tính điện đã dùng để lên Điện lực Hà Đông, Hà Nội nộp tiền. Mà với số người như thế cùng nộp thì chắc chắn sẽ có không ít hộ không kịp nộp đúng hạn. Thế nên do chậm trễ trong việc nộp tiền mà tháng nào cũng có nhà bị cắt điện vì nộp muộn. Các bác cán bộ đã về hưu hoặc những bác không phải đi làm sẽ được tận dụng để dành hẳn một ngày để xếp hàng trả tiền điện. Không lụy ông bán điện thì lấy điện đâu mà dùng thế là người tiêu dùng trở thành “ăn mày” của nhà đèn chỉ bởi hai chữ độc quyền.
Cho đến cuối năm rất nhiều người vẫn giật mình nhận ra đã bị lừa trong vụ vòng titan. Và đợi chờ sự bồi thường của nhà cung cấp vì quảng cáo sai sự thật và sự trả lời về trách nhiệm của những đơn vị đã tham gia quảng cáo cho mặt hàng này.
Suốt cả năm, hòa với diễn biến chung của công tác bảo vệ người tiêu dùng thì công chúng vẫn liên tục đọc, xem trên báo những phát hiện về sai phạm liên quan đến tiêu dùng. Khi thì máy ATM trả tiền rách, lúc thì tài khoản không còn một đồng. Hay những khách hàng ngồi chờ nhà cung cấp bảo hành mà cứ mỗi lần hỏi đến lại nhận được câu trả lời: “Hàng này phải mang ra nước ngoài để bảo hành”. Lâu lâu lại có gia đình nhận được cái hóa đơn điện thoại và trong phần cước gọi đến tận các quốc gia mà ngay cả tên quốc gia này khách hàng cũng khó lòng biết được. Nhẹ nhàng thì là vụ rau siêu sạch… không sạch, hàng giả, hàng hết hạn trong siêu thị.
Có hàng nghìn, hàng vạn trường hợp người tiêu dùng cần được bảo vệ. Nếu chỉ đứng chờ những cơ quan chức năng xử lý thì đâu lại vào đó. Bởi thế tự bản thân người tiêu dùng đã tâm niệm “chờ người khác cứu chi bằng mình tự cứu mình”. Vụ việc “Số nhảy cóc ở cây xăng Trần Khát Chân” hay vụ hàng trăm người bao vây cây xăng gian lận ở Đà Nẵng vừa qua cho thấy người tiêu dùng đã biết tự bảo vệ mình.
Còn nhớ vụ ông Nguyễn Xuân Thắng đã trưng bày chiếc xe “vừa mua một tháng đã gãy cổ phốt” trên phố Hoàng Hoa Thám suốt 3 tháng để phản ứng cách làm việc của Honda Việt Nam. Và phải kể đến rất nhiều người tiêu dùng sẵn sàng theo kiện vì không được hưởng quyền lợi chính đáng. Hàng loạt cơ quan báo chí, các forum lên tiếng về những vụ việc liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng. Nhiều báo đã lập ra chuyên mục bảo vệ người tiêu dùng quyết đem quyền lợi trả lại cho những người tiêu dùng chân chính.
Rồi vụ một người nước ngoài đã lên tiếng trên dtinews.vn về thái độ phục vụ tại quán bar khi ông vào chỉ uống bia mà không gọi rượu. Những người làm kinh doanh ở Việt Nam chắc không hiểu để có thể cạnh tranh trước hết phải có thái độ phục vụ nhã nhặn để lần sau khách hàng lại muốn đến nữa. Có rất nhiều khách du lịch nước ngoài khi được hỏi đã trả lời sẽ không quay trở lại Việt Nam vì họ cảm giác như bị “móc túi".
Việt Nam có gần 86 triệu dân và cũng có từng đó người tiêu dùng. Bởi thế từng ngày, từng giờ chúng ta phải liên tục đòi hỏi các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau để thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng bằng việc đưa ra các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao, giá cả hợp lý, chủng loại đa dạng, nhằm mục đích duy trì một môi trường cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Thế nhưng công cuộc bảo vệ người tiêu dùng vẫn là một cuộc đấu tranh chưa có hồi kết. Bởi chưa có cơ sở pháp lý cụ thể để giải quyết các sai phạm và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng; và họ vẫn phải chờ cho đến bao giờ.