Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chung tay khắc phục, bảo đảm giao thông sau bão Yagi

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi bão Yagi đi qua, toàn địa bàn TP Hà Nội xảy ra 194 sự cố về đường bộ khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Lực lượng chức năng cùng các đơn vị liên quan huy động 100% quân số chung tay khắc phục sau bão.

 194 sự cố về giao thông

Theo báo cáo Sở GTVT Hà Nội, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, trên địa bàn TP đã xảy ra 194 sự cố về đường bộ trong bão Yagi. Trong 194 sự cố về đường bộ, chủ yếu là sự cố cây đổ ra đường gây cản trở giao thông, biển báo gãy đổ, xô lệch trụ mũi tên phản quang, ổ gà, hố sụt, ngập nước...

Để đảm bảo hoạt động bình thường của hệ thống hạ tầng giao thông, Ban Duy tu đã chỉ đạo các nhà thầu quản lý, bảo trì cho khắc phục ngay để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đi lại.

Đối với sự cố ngập nước đã chỉ đạo các nhà thầu quản lý đường bộ cắm biển cảnh báo tại những vị trí ngập sâu và phối hợp với các lực lượng chức năng hướng dẫn phân luồng cho người dân. Đồng thời báo cáo các sự cố lên phần mềm GovOne, và những kênh thông tin để người tham gia giao thông nắm được tình hình.

Bố trí người thường xuyên kiểm tra, theo dõi để đôn đốc nhà thầu quản lý đường bộ tổng hợp, đánh giá các thiệt hại về tài sản trên các tuyến đường, có biện pháp khắc phục triệt để.

Huy động công nhân khơi thông cửa xả, cửa thu, đánh rãnh ngang để nước sớm thoát tại các vị trí bị ngập. Chủ động thông báo các điểm úng ngập do Sở xây dựng quản lý để có biện pháp khơi thông dòng chảy, giải quyết những vị trí úng ngập cục bộ trên các tuyến đường.

Lực lượng chức năng cùng Nhân dân chung tay dọn dẹp các tuyến đường sau mưa bão.
Lực lượng chức năng cùng Nhân dân chung tay dọn dẹp các tuyến đường sau mưa bão.

Phối hợp với các đơn vị chức năng (cây xanh, thoát nước, chiếu sáng,...) xử lý và thu dọn các chướng ngại vật trên mặt đường, hè để đảm bảo an toàn giao thông. 

Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát sao tình hình diễn biến của cơn bão để có phương án bố trí nhân lực, thiết bị, vật tư phục vụ cho công tác phòng chống và hạn chế tối đa ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Ông Hoàng Văn Hùng – Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội cho biết: “Ban đã thành lập Ban Chỉ huy đảm bảo an toàn giao thông trong công tác phòng chống thiên tai với tổng số 58 người. Nhiệm vụ của Ban chỉ huy là xây dựng phương án phòng chống thiên tai; chỉ đạo các nhà thầu tổ chức, triển khai kịp thời những phương án đảm bảo an toàn giao thông; tổng hợp, báo cáo kịp thời các sự cố liên quan đến hạ tầng giao thông và thực hiện các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai của Sở GTVT”.

Cũng theo ông Hoàng Văn Hùng, các nhà thầu quản lý, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, trực cảnh giới đường ngang giao cắt với đường sắt với tổng số 350 người được huy động cùng hàng trăm phương tiện. Nhiệm vụ chính là phối hợp với các đơn vị liên quan (quản lý cây xanh, chiếu sáng, thoát nước,...) để xử lý sự cố về hạ tầng giao thông đường bộ; đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt trên các tuyến đường được giao quản lý.

Huy động 100% quân số

Cùng với Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội, ngay trong đêm, các lực lượng chức năng trên địa bàn TP Hà Nội đã huy động quân số, máy móc, thiết bị khẩn trương khắc phục sự cố về giao thông nhằm đảm bảo việc đi lại của người dân được thuận tiện, an toàn.

Đại điện chỉ huy đội Cảnh sát GT - TT Công an quận Hà Đông cho biết: “Chúng tôi huy động 100% quân số cùng phương tiện tiến hành phối hợp với các cơ quan có liên quan phân luồng hướng dẫn người dân đi lại. Đồng thời khẩn trương dọn dẹp cây xanh ngã đổ ra đường làm cản trở giao thông”.

Toàn địa bàn TP Hà Nội xảy ra 194 sự cố về giao thông.
Toàn địa bàn TP Hà Nội xảy ra 194 sự cố về giao thông.

Trung tá Đặng Hồng Giang - Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 3 cho biết, thực hiện phương án bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ứng phó cơn bão số 3, đơn vị đã chủ động phương án theo phương châm "4 tại chỗ".

"Chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, trang thiết bị, áo mưa, ủng, cưa máy, đèn pin, dây thừng, barie, loa pin, biển cảnh báo, xe cầu kéo để cứu hộ, cứu nạn... sẵn sàng huy động vào các tình huống đột xuất" - Trung tá Đặng Hồng Giang thông tin thêm.

Cũng theo Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 3, từ chiều tối ngày 6/9 đến nay, đơn vị đã phối hợp với lực lượng cơ sở thu gom nhiều cây xanh bị gãy đổ trên địa bàn. Kịp thời cứu giúp 1 trường hợp cây đổ vào người.

Ông Cao Văn Hiệp – Phó Chánh thanh tra Sở GTVT cho biết: “Sau khi cơn bão số 3 đổ bộ vào Hà Nội, tính đến 8h30 ngày 8/9/2024, trên địa bàn TP Hà Nội tình hình rất phức tạp, cây đổ trên các tuyến đường trung tâm, đường quốc lộ, tỉnh lộ, nhiều cây đổ chắn ngang đường làm ùn tắc giao thông; một số công trình bị kéo đổ do gió giật”.

Theo ông Cao Văn Hiệp, Thanh tra Sở GTVT đã chỉ đạo các Đội Thanh tra trực thuộc bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị được trang cấp, chuẩn bị sẵn sàng phục vụ cho công tác phòng chống cơn bão số 3 theo phương châm 4 tại chỗ: “ Chỉ huy tại chỗ - Vật tư tại chỗ - Phương tiện tại chỗ - Hậu cần tại chỗ”, triển khai Kế hoạch số 973/KH-TTS ngày 26/4/2024 của Thanh tra Sở về việc phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với các loại hình thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024. Bố trí 100% quân số ứng trực theo Phương án phân công của đơn vị; sẵn sàng nhận nhiệm vụ phòng chống lụt, bão khi có điều động của Thanh tra Sở.

“Thanh tra Sở đã huy động 100% cán bộ, thanh tra viên, nhân viên của các Đội Thanh tra GTVT trực thuộc, đảm nhận công tác hướng dẫn phân luồng giao thông, hỗ trợ đơn vị cây xanh thu dọn chướng ngại vật, cây đổ trên đường tại 159 vị trí. Ngoài ra, Thanh tra Sở huy động 32 xe ô tô (tuần tra và cẩu kéo xe) tuần tra, kiểm tra, nắm bắt tình hình giao thông trên các tuyến đường, phố để kịp thời phối hợp giải quyết sự cố, bảo đảm trật tự an toàn giao thông” – ông Cao Văn Hiệp thông tin.

Cũng theo vị Phó Chánh thanh tra Sở GTVT, trong thời gian tới, lực lượng này sẽ chỉ đạo các Đội Thanh tra GTVT trực thuộc tiếp tục bố trí nhân lực phối hợp với lực lượng công an, chính quyền địa phương, đơn vị quản lý đường và các đơn vị chức năng hướng dẫn, phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông tại những vị trí có sự cố về cây đổ và các đoạn đường bị úng ngập sâu.