Chương Mỹ: Chủ động đối phó với lũ rừng ngang

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với nhiều người lũ rừng ngang là khái niệm khá xa lạ. Nhưng với người dân các xã Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ và thôn Bùi Xá (thị trấn Xuân Mai) lại vẫn đang sống chung với nó. Lũ rừng ngang là chuyện “Xuân Thu nhị kỳ” nhưng người dân nơi đây vẫn thường xuyên phải chống chọi trước sự hà khắc của thiên nhiên…

Kiên cường trước thiên tai
Trò chuyện với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng cho biết: Do nằm ở bên Hữu sông Bùi nên người dân các thôn Nhân Lý, Hạnh Bồ, Nam Hài, Hạnh Côn, luôn chuẩn bị cho tinh thần sống chung với lũ. Trường hợp lũ lớn, người dân thôn Nhân Lý sẽ sơ tán lên thôn Núi Bé, thôn Hạnh Bồ sơ tán lên thôn Phương Hạnh, thôn Nam Hài sơ tán lên thôn Nam Sơn, còn thôn Hạnh Côn sẽ “trụ” tại chỗ. Chính vì chủ động trước thiên tai nên từ năm 2008 đến nay, dù trải qua 3 trận lũ lớn, nhưng toàn xã chỉ 1 trường hợp bị tử vong vào năm 2017 (do đi đánh cá bị lật thuyền).
 
 Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng kiểm tra công trình tiêu thoát lũ. Ảnh: Trần Thụ
Lịch sử từng ghi nhận các trận lũ lớn trên khu vực sông Tích, sông Bùi xảy ra vào các năm 1971, 1985. Năm 2008, Hà Nội ghi nhận mức lũ 7,41m trên sông Bùi. Đây là mức lũ cao nhất được ghi nhận trong lịch sử. Năm 2017, lũ trên sông Bùi đạt ngưỡng 7,14m nhưng đến năm 2018, mức lũ đã lên tới 7,51m - vượt ngưỡng lịch sử của năm 2008. Lũ lớn đã làm tràn vỡ đê, gây ngập lụt kéo dài nhiều ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng nghìn hộ dân các huyện thuộc vùng hữu Tích, hữu Bùi.
Vẫn theo ông Nguyễn Chiến Thắng, cứ sắp đến mùa mưa lũ, người dân Nam Phương Tiến lại chuẩn bị bao tải, đất cát, cọc tre để sẵn sàng “nghênh chiến” với thủy thần, chính vì vậy tính mạng và tài sản của người dân đều có phương án bảo vệ một cách an toàn. Chính quyền địa phương cũng bố trí thời vụ một cách hợp lý, khuyến cáo người dân chủ động thu hoạch hoa màu, thủy sản trước mùa mưa lũ. Bố trí nơi cao ráo để gia súc, gia cầm có nơi tránh trú an toàn, chính vì vậy nên đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra…
Theo số liệu của UBND huyện Chương Mỹ, chỉ tính riêng năm 2019 bằng nguồn ngân sách TP và địa phương, huyện đã tập trung xây dựng, tu sửa các hạng mục công trình giao thông, thủy lợi nội đồng, các công trình phòng chống lụt bão; phòng chống thiên tai với tổng vốn đầu tư 230 tỷ đồng (ngân sách TP 225 tỷ đồng, ngân sách huyện 5 tỷ đồng). Kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình đê điều, cầu cống, trạm bơm tiêu, hồ đập, các kênh tiêu và có biện pháp xử lý kịp thời những công trình hư hỏng, xuống cấp. Giải tỏa các vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai, Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Xây dựng phương án phòng, chống thiên tai.
Với phương châm “4 tại chỗ - 3 sẵn sàng”, UBND huyện giao UBND các xã, thị trấn chuẩn bị các loại dụng cụ, vật tư: Lực lượng xung kích (3.720 người); đất 5.600m3, bao tải 119.000 chiếc, không để bất ngờ, bị động trong công tác phòng, chống thiên tai. Các xã, thị trấn giải quyết triệt để vi phạm các công trình thủy lợi, đê điều; đôn đốc các dự án phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và đã hoàn thành xong trước mùa mưa bão.
Không để bị động
Căn cứ vào tình hình thực tế, UBND huyện Chương Mỹ đã lên phương án cụ thể cho công tác phòng chống thiên tai lũ lụt. Đến nay huyện đã rà soát, bổ sung, hoàn thiện các phương án từ huyện đến cơ sở. Hoàn thành việc kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình đê điều, thủy lợi trước mùa mưa lũ. Tu bổ, sửa chữa các công trình hư hỏng, xuống cấp. Kiểm kê, bổ sung đủ vật tư dự trữ cần thiết cho việc xử lý tại chỗ.
 Chủ tịch UBND huyện Đinh Mạnh Hùng kiểm tra công tác nâng cấp, tu sửa đê điều.
Tập trung thi công, tu bổ đê điều, các công trình thủy lợi đã được TP, UBND huyện phê duyệt, bảo đảm chất lượng và yêu cầu kỹ thuật. Chỉ đạo các xã, thị trấn ra quân làm thủy lợi, tập trung đắp bờ khoanh vùng (khép kín khu tiêu), khơi thông các kênh tiêu và tu sửa các cầu cống do cơ sở quản lý. Tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai, Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đồng thời ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm.
Nâng cao ý thức phòng chống thiên tai trong Nhân dân, chống chủ quan xem nhẹ. Kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai các cấp, các tiểu ban theo quy định, phân công gắn trách nhiệm cụ thể mỗi cấp ủy, mỗi ngành với từng đoạn đê và các công trình trọng điểm.
Dù được chính quyền TP và ngành chức năng quan tâm đầu tư, tuy nhiên hệ thống đê điều ở Chương Mỹ (do đắp lâu ngày) đã bị lún không bảo đảm cao độ thiết kế, một số cống dưới đê đã bị hư hỏng thẩm thấu. Các công trình trạm bơm hiện có phần lớn chưa bảo đảm năng lực tiêu so với lượng mưa trên 250mm/trận. Các tuyến kênh tiêu bị sạt lở, bồi lắng hoặc bị đăng chặn làm cản dòng chảy. Việc điều hành tiêu khó khăn, trong khi đó yêu cầu tiêu nước đòi hỏi cần phải nhanh, khẩn trương hơn…
Cùng với đó, đường dây điện cao thế khi có mưa, bão, úng xảy ra thường bị sự cố, làm cho một số trạm bơm phát huy hiệu quả thấp. Vùng bán sơn địa (vùng hữu Bùi) còn nhiều khu chưa có công trình tiêu nước chủ động; một số tuyến đê bao, đê hữu Bùi bị sạt lở chưa được nâng cấp kịp thời nên việc sản xuất nông nghiệp phần lớn phụ thuộc vào thiên nhiên. Một số nơi vi phạm Luật Đê điều, Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi chưa được xử lý dứt điểm…
Là địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng nghiêm trọng của lũ rừng ngang, nhưng chưa có giải pháp giải quyết triệt để, trong khi điều kiện của huyện còn nhiều khó khăn. Do vậy, UBND huyện Chương Mỹ đề xuất UBND TP quan tâm sớm đầu tư các công trình như: Cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đê Tả Đáy, Hữu Bùi và các trạm bơm tiêu như An Sơn (xã Đông Sơn), Yên Duyệt I (xã Tốt Động), Đồng Cò (thị trấn Xuân Mai… Triển khai thực hiện xây dựng tuyến kênh lái lũ rừng ngang để bảo đảm an toàn cho toàn bộ các xã vùng hữu Bùi.