Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chương Mỹ chủ động ứng phó với thiên tai

Bài, ảnh: Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa mưa bão năm 2016, huyện Chương Mỹ là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiệm vụ ứng phó với thiên tai bởi vậy đang được các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân nơi đây tập trung cao độ.

Nhiều người dân sống ven sông Bùi thuộc các xã Tốt Động, Hoàng Văn Thụ, Trung Hòa, Thủy Xuân Tiên, Nam Phương Tiến... vẫn chưa quên trận mưa lũ lớn thời điểm cuối tháng 8/2016. Mực nước sông lên cao, có thời điểm trên 6,88m (chỉ thấp hơn mức báo động 3 là 0,12m) khiến hàng trăm héc - ta diện tích canh tác ven sông ngập chìm trong nước. Hàng chục nhà dân nằm ven vùng bãi bị nước xâm thực ngấp ngé sân nhà. Mưa lũ không chỉ ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất của các hộ dân, mà còn khiến hệ thống đê điều trên địa bàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đơn cử như sau cơn bão số 3 năm 2016, trên hệ thống sông Bùi xuất hiện ít nhất 5 điểm bị sạt lở chân và mái đê. Tại một số vị trí, nước trên hệ thống sông còn thấm qua đê khiến công trình nước sạch xây dựng dang dở và nhiều nhà dân trên địa bàn xã Trung Hòa sống trong nỗi âu lo của nguy cơ vỡ đê…
Gia cố tuyến đê khi nước sông Bùi lên cao trong mùa mưa bão năm 2016.
Đó chỉ là một lát cắt trong bức tranh toàn cảnh ảnh hưởng của thiên tai xảy ra trong năm 2016 đối với huyện Chương Mỹ. Trong năm 2016, địa phương này còn hứng chịu một đợt mưa lớn vào cuối tháng 5 và cơn bão số 1 vào cuối tháng 7 mà theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) huyện đã khiến ít nhất 151 công trình dân sinh bị sập, tốc mái; 105 cột điện bị gãy, đổ; khoảng 352ha nuôi trồng thủy sản chìm trong nước lũ; trên 1.500ha cây trồng các loại suy giảm năng suất; gần 12.000 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; cùng trên 2,2km chiều dài các tuyến đê bị sạt lở… Thiệt hại ước tính lên tới hàng chục tỷ đồng.

Hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra trong năm 2016 đặt ra bài toán đối với công tác PCTT của địa phương này. Ông Nguyễn Minh Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, nằm trong nhóm địa phương “nhạy cảm” với thiên tai, những năm qua, huyện nhận được sự quan tâm lớn của TP. Tính riêng năm 2016, TP đã bố trí khoảng 82 tỷ đồng hỗ trợ Chương Mỹ xây dựng các công trình PCTT. Bên cạnh ngân sách TP, huyện đã chủ động bố trí gần 9 tỷ đồng cho công tác khắc phục và giảm nhẹ hậu quả thiên tai. Thẳng thắn đánh giá về công tác PCTT tại địa phương, ông Nguyễn Minh Ngọc cho rằng: Vẫn còn những hạn chế nhất định. Trong đó, nổi cộm là sự thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu về mặt hạ tầng PCTT. Khả năng ứng phó khi có mưa lũ còn bị động. Đặc biệt, việc chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương án “4 tại chỗ” có nơi còn chưa đầy đủ…

Mùa mưa bão năm 2017 đang tới rất gần. Vì vậy, công tác chuẩn bị ứng phó đang được huyện Chương Mỹ tập trung chỉ đạo triển khai. Theo đó, huyện đã rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai xong trước 30/4. Việc tu bổ các công trình phòng, chống lũ sẽ được hoàn thành trong tháng 5/2017. Cũng trong tháng 5 này, địa phương sẽ thành lập các tổ công tác tiến hành kiểm tra, đánh giá việc chuẩn bị ứng phó thiên tai tại từng xã, thị trấn để kịp thời điều chỉnh. Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc nhấn mạnh: Ứng phó thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm đang được TP hết sức quan tâm. Do đó, huyện sẽ gắn trách nhiệm này đối với người đứng đầu mỗi cấp ủy, phòng ban ngành chức năng liên quan. Đây sẽ là giải pháp nhằm loại bỏ tâm lý chủ quan trong ứng phó thiên tai.