Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa - xã hội: Tạo chuyển biến tích cực về chính sách bảo hiểm xã hội

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, các cấp, các ngành của TP Hà Nội, nhất là ngành BHXH Thủ đô đã nỗ lực triển khai thực hiện Chương trình 04-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Nhờ vậy, TP đã đạt được nhiều thành tựu, tạo chuyển biến tích cực trong việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp về BHXH, BHYT của người lao động, tạo cơ sở quan trọng giúp Thủ đô phát triển bền vững.

Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội tại Trung tâm giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Mở rộng đối tượng, tăng nhanh số thu 
5 năm thực hiện Chương trình 04- CTr/TU, BHXH TP đã tham mưu với UBND TP trình HĐND TP giao chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ BHYT, tỷ lệ lao động tham gia BHXH bắt buộc và BHTN, tốc độ gia tăng BHXH tự nguyện. Đây là 3/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội hằng năm của TP.

Theo lãnh đạo BHXH Hà Nội, qua triển khai Chương trình 04 của Thành ủy cho thấy, công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật BHXH, BHYT có nhiều đổi mới, sáng tạo theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, nhận thức của người dân về chính sách BHXH, BHYT ngày càng được nâng lên. Trên cơ sở đó, đối tượng tham gia BHXH, BHYT ngày càng mở rộng, phát triển, số thu tăng nhanh và vượt kế hoạch do TP giao.

Nếu như năm 2016, tỷ lệ bao phủ BHYT là 81,9%, hoàn thành vuợt chỉ tiêu bao phủ BHYT toàn dân đề ra thì năm 2019, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 88,3% dân số (vượt chỉ tiêu HĐND TP giao) với tổng số thu là hơn 43.335 tỷ đồng. Cũng trong năm 2019, số người tham gia BHXH bắt buộc có 1.763.033 người. Kế hoạch năm 2020 là 1.824.178 người. Số người tham gia BHXH tự nguyện là 34.807 người; năm 2020 là 46.407 người. Số người tham gia BHTN là 1.695.166 người; ước tính đến cuối năm 2020 là 1.670.787 người.

Riêng 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 86,29% dân số. Số người tham gia BHYT là 6.949.847 người; tăng 164.062 người so với cùng kỳ năm 2019 đạt 96% kế hoạch (hết năm 2020, chỉ tiêu bao phủ BHYT đạt trên 90%).

Đặc biệt giai đoạn 2016 - 2020, BHXH Hà Nội cũng giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHTN kịp thời, đúng quy định. Năm 2019, tổng số tiền chi trả các chế độ BHXH, BHTN là 37.770 tỷ đồng (tăng 48,9%). Việc đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho bệnh nhân BHYT gắn với tăng cường kiểm soát quỹ BHYT được chú trọng.

5 năm qua, BHXH TP đã thực hiện thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho trên 43,3 triệu lượt người có thẻ BHYT, với tổng số tiền 62.735 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2019, có 50 bệnh nhân có chi phí khám chữa bệnh cao, được BHYT chi trả 49,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, BHXH Hà Nội cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công tác cải cách hành chính, cải tiến quy trình quản lý để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, chú trọng thanh tra, kiểm tra, bảo vệ quyền lợi người lao động. Chi trả lương hưu và các chế độ BHXH an toàn, chính xác, kịp thời, giám định BHYT được tăng cường.

Phát huy hiệu quả trong thu hồi, giảm nợ đọng

Đáng lưu ý, từ năm 2016 đến năm 2019, công tác thanh, kiểm tra xử lý vi phạm tại các đơn vị nợ đóng BHXH được đẩy mạnh, phát huy hiệu quả tích cực trong việc thu hồi, giảm nợ đọng. Trong đó, năm 2016, số tiền nợ là hơn 2.284 tỷ đồng, tỷ lệ nợ 7,99%, đến hết năm 2017, cùng với sự vào cuộc tích cực của các đơn vị, số nợ đã giảm xuống còn 1.304 tỷ đồng, tỷ lệ nợ 3,9%. Năm 2019, số tiền nợ giảm còn 913,9 tỷ đồng, tỷ lệ nợ 1,98% so với kế hoạch thu, thấp nhất từ trước đến nay.

Đặc biệt, từ khi Luật BHXH ra đời, từ năm 2016 đến nay, BHXH TP đã đề nghị các tổ chức công đoàn khởi kiện 592 đơn vị với số tiền nợ đóng BHXH là 475,6 tỷ đồng, đã thu hồi được 100,1 tỷ đồng. Ngoài ra, BHXH TP đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về BHXH, BHYT tại 16.273 đơn vị, qua đó, thu hồi được 1.146,6 tỷ đồng.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng sâu rộng, nghiêm trọng đến tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Hà Nội. Ngành BHXH Thủ đô cũng chịu những ảnh hưởng rất lớn, khiến một số mục tiêu đề ra khó có thể đạt được. Tuy nhiên, trong tổng thể giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội từng bước khẳng định chính sách BHXH, BHYT là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, thu hút ngày càng nhiều người tham gia, góp phần bảo đảm đời sống dân sinh, ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế của Thủ đô.
Để đạt được các chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ BHYT, tỷ lệ lao động tham gia BHXH bắt buộc và BHTN, tốc độ gia tăng BHXH tự nguyện trong năm 2020 và những năm tiếp theo, BHXH TP tập trung cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ người dân, DN của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành BHXH. Từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế…

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc